Huyện Đan Phượng làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giáo dục mầm non

Thu Hà – Thùy Dương|30/11/2016 14:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay đang là mối quan tâm lớn của xã hội. Chất lượng VSATTP được đảm bảo góp phần nâng cao sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ nhỏ. An toàn vệ sinh thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong việc phát triển thể lực, trí tuệ trong học tập, vui chơi của trẻ.

Untitled-24

Bà Bùi Thị Thanh Hải – Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng

Nhận thức rõ điều đó, ngay từ đầu năm học 2016 – 2017, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, các trường mầm non trên địa bàn huyện Đan Phượng có tổ chức lớp ăn bán trú luôn quan tâm đến chất lượng chế độ dinh dưỡng, VSATTP trong các bữa ăn hàng ngày của trẻ. Hiện nay, huyện có 17 trường mầm non trong đó có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, số trẻ ăn bán trú tại các trường mầm non đạt 100%. Để nâng cao chất lượng VSATTP trong các nhà trường có học sinh ăn bán trú, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng gửi văn bản yêu cầu lãnh đạo các nhà trường thực hiện nghiêm hợp đồng mua bán, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bếp ăn bán trú, bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường thường xuyên phân công lãnh đạo giám sát việc cung cấp, chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn hàng ngày; quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn cho trẻ ở trường; duy trì việc tính khẩu phần ăn cho trẻ theo khung chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. Tất cả trẻ đến trường đều được theo dõi, quản lý chặt chẽ về sức khỏe, sự phát triển thể lực bằng biểu đồ tăng trưởng.

Đồng chí Bùi Thị Thanh Hải – Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cho biết: Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường cử đại diện cán bộ, giáo viên trong trường phối hợp cùng đại diện phụ huynh học sinh cùng giám sát công tác bán trú, bữa ăn cho trẻ, đảm bảo chính xác, khách quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về VSATTP tới cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh được biết. Để đảm bảo phát triển toàn diện cho trẻ, các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, kết hợp với hoạt động giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe trong các bài giảng, tiết học. Ngoài ra, hướng dẫn cán bộ, giáo viên và các em học sinh chủ động phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn môi trường sinh hoạt, dụng cụ ăn uống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ đề phòng chống một số bệnh do virut gây ra, dễ lây lan và nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Qua tìm hiểu thực tế tại 2 điểm trường mầm non xã Thọ An và trường mầm non xã Liên Hồng  trên địa bàn huyện Đan Phượng chúng tôi nhận thấy, cả 2 trường mầm non đều thực hiện tốt các khâu VSATTP cho học sinh ăn bán trú tại trường. Trường mầm non xã Liên Hồng còn tận dụng diện tích đất trống để tăng gia trồng thêm rau xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa chủ động nguồn thực phẩm an toàn. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thùy – Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Hồng: “Nhà trường cải tạo diện tích hơn 250m2 để trồng các loại rau và 60m2 trồng nấm sạch để bổ sung vào các bữa ăn cho các cháu. Cô Trần Thị Hương – Hiệu trưởng trường mầm non xã Thọ An chia sẻ: “Để đảm bảo dinh dưỡng cho các con, nhà trường thường xuyên thay đổi thực đơn theo tuần, mùa. Nhà trường chọn những địa chỉ tin cậyđể ký hợp đồng cung cấp thực phẩm an toàn cho bữa ăn của trẻ”.

Untitled-25

Untitled-26

Các khu chế biến được bố trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh

Nhận thức rõ vấn đề an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ, các nhà trường luôn quan tâm thực hiện tốt quy trình, chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ y tế. Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín.

Ngoài ra, các nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp có uy tín, có địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Hàng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự dám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường, đồng thời công khai thực đơn bán trú trong ngày, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày 24/24 giờ theo quy định. Có hợp đồng mua bán thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, các hộ kinh doanh.

Để công tác đảm bảo vệ sinh ATTP được hiệu quả, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục trong việc kiểm soát VSATTP, cùng với đó việc đảm bảo dinh dưỡng cũng cần có tiếng nói chung của các cơ sở giáo dục và phụ huynh về mức đóng góp, xây dựng chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi phát triển của trẻ. Các trường học cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn trong các trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm khắc với các hành vi vi phạm.

 Thu Hà – Thùy Dương 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đan Phượng làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giáo dục mầm non