Khôi phục tuyến đường sắt “răng cưa” Tháp Chàm – Đà Lạt theo hình thức đối tác công tư

Phương Thu (T/h)|14/03/2019 02:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Điểm khởi đầu dự án từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) đến điểm cuối ga Đà Lạt (Lâm Đồng) được khôi phục trên tuyến đường sắt trước đây. Tổng chiều dài toàn tuyến 84 km với 17 nhà ga, trong đó đoạn đường sắt qua địa phận Ninh Thuận 49 km với 7 nhà ga.

Cây cầu (cầu Tân Mỹ) duy nhất trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, đoạn đi qua địa bàn Ninh Thuận chưa bị tháo gỡ

Ngày 13.3, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty CP thương mại – dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, với tổng kinh phí ước tính hơn 17.200 tỉ đồng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP (cụ thể theo hợp đồng BOT kết hợp BT).

Điểm đầu của dự án từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và điểm cuối là ga Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, tổng chiều dài 84 km, gồm 17 nhà ga (đoạn đi qua địa bàn Ninh Thuận dài 49 km, có 7 nhà ga) với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ủng hộ doanh nghiệp đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt để bảo tồn kiến trúc, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời đề nghị Công ty Bạch Đằng tiếp thu ý kiến đóng góp các ngành liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo quy định.

Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt do nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất, thực hiện theo hình thức PPP (BOT kết hợp BT). Mục tiêu của dự án là bảo tồn kiến trúc, khai thác hiệu quả tiềm năng tuyến đường sắt này, góp phần phát triển du lịch và kinh tế – xã hội của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Từ sau năm 1975, tuyến đường sắt bị hư hỏng hoàn toàn và không thể sử dụng được. Hầu như toàn bộ đường ray, toa xe và đầu máy được tháo dỡ lấy thiết bị mang đi phục vụ việc sửa chữa tuyến đường sắt Thống Nhất và bán sắt vụn. Nhiều đoạn đường đã bị người dân lấn chiếm, xây dựng các công trình cá nhân và canh tác nông nghiệp.

Năm 1991, ngành du lịch phối hợp với ngành Đường sắt Việt Nam khôi phục lại một đoạn trên tuyến đường sắt này để phục vụ khách du lịch. Dù không còn nguyên vẹn, tuyến đường sắt xưa cũ này vẫn còn Nhà ga với kiến trúc cổ kính của Châu Âu, kết hợp với ngôi nhà rông Tây Nguyên, có 3 chóp nhọn mô phỏng cho 3 ngọn núi của đỉnh Langbiang nổi tiếng của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Đoạn đường sắt được phục hồi dài 7 km từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (Đà Lạt), mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách mua vé lên tàu trải nghiệm.

Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090 m), đặc biệt có 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km vượt đèo có độ dốc 120%o. Từ năm 1968 tuyến đường sắt này ngừng khai thác và đến năm 1975 được khởi động lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì dừng hoạt động. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ.

Ngày 24.8.2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt.

Phương Thu (T/h)

   
Bài liên quan
  • Cần Đước (Long An): Người dân khốn khổ vì trạm bê tông Hồng Hà, cảng than gây ô nhiễm môi trường
    Moitruong.net.vn – Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân dân tại ấp 4, xã Long Định (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) luôn phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do Trạm bê tông Hồng Hà thuộc Công ty cổ phần bê tông Hồng Hà (trạm bê tông Hồng Hà) và Cảng than Hoàng Tuấn hoạt động gây ra. Bụi bê tông và bụi than thường xuyên bủa vây người dân khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi tới chính quyền địa phương nhưng chỉ hết bụi được một thời gian ngắn rồi sau đó lại đâu vào đấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục tuyến đường sắt “răng cưa” Tháp Chàm – Đà Lạt theo hình thức đối tác công tư