Môi trường - Tài nguyên

Kon Tum: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Tuấn Anh 07:39 07/04/2025

Ngành chăn nuôi ở tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, quy mô trang trại theo hướng khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng của ngành này cũng có xu hướng tăng trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, một trong số đó chính là việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Chú trọng chăn nuôi phát triển công nghệ cao

Tính từ 3 năm đổ lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Ma Vin, Greenfeed, Japfa, CJ, Tập đoàn TH,… Qua đó, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tỉnh thời gian qua ngày càng tăng trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn tồn tại một số khó khăn như: Chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, thả rông gia súc vẫn còn phổ biến; phát triển chăn nuôi phần lớn là tự phát, chưa gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Trước tình hình đó, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đàn gia súc, gia cầm cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu chăn nuôi theo các năm. Trong đó, rà soát thống kê đàn trâu, bò, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ con giống trâu, bò.

kon-tum-huong-den-chan-nuoi-dan-gia-suc-tap-trung-140316_384-165452.jpg
Hướng đến chăn nuôi đàn gia súc tập trung, chú trọng chăn nuôi phát triển công nghệ cao.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giống vật nuôi; tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại...

Đặc biệt, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cũng như chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi và bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.

UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; kiểm tra, hướng dẫn, triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong công tác kiểm soát giết mổ, điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân; tổ chức hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện việc phát triển đàn trâu, bò phù hợp với thực tế.

Đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tỉnh Kon Tum đã lên phương án và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường sống cho người dân.

Đơn cử, theo báo cáo của thành phố Kon Tum, qua khảo sát thực tế 36 cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn 9 xã, phường cho thấy, về cơ bản các cơ sở, hộ chăn nuôi có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đa số các cơ sở, hộ chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Các cơ sở, hộ chăn nuôi heo đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải như xây dựng hầm Biogas, đào hố chứa chất thải, nước thải, chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý thường xuyên và được người dân tận dụng để ủ thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho trồng trọt, góp phần hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường.

tang-cuong-kiem-soat-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-140557_130-165452.jpg
Khuyến khích người chăn nuôi chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại để dễ dàng đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi chưa thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (như đăng ký cấp phép môi trường, đăng ký môi trường). Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; chưa thực hiện tốt việc xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi (như không có hầm chứa chất thải, nước thải, hoặc có hầm chứa nhưng không có nắp đậy; chất thải chưa được thu gom, xử lý kịp thời...), dẫn đến phát sinh mùi hôi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhất là chăn nuôi heo.

Việc chăn nuôi trong khu vực đông dân cư vẫn chưa được xử lý triệt để, các hộ dân (đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn thành phố vẫn có thói quen, tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm gần khu vực sinh sống, tiềm ẩn lớn nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, người dân khu vực xung quanh. Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi chưa được thường xuyên, có đơn vị chưa quan tâm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chủ yếu giải quyết các vụ việc phát sinh hoặc có phản ánh, có bức xúc trong dư luận nhân dân.

Xã Ia Chim (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một trong những địa bàn số cơ sở, số hộ chăn nuôi nhiều nhất của thành phố Kon Tum. Toàn xã hiện có đàn gia súc khoảng 10.830 con, đàn gia cầm có khoảng 30.000 con và có 34 cơ sở, hộ gia đình đang chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Tại đây, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng khá cương quyết trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kon Tum: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.