Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường ở Việt Nam

06/07/2016 09:46
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường ở Việt Nam. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã tới dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường; các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế làm việc tại các Viện, Trường, cơ quan nghiên cứu khoa học­; đại diện lãnh đạo các Sở TN&MT một số tỉnh; đại diện lãnh đạo các trạm quan trắc môi trường địa phương và Chi cục bảo vệ môi trường.    


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chủ trì hội thảo

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong thời gian qua, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, Việt Namđã đạt được những thành tựu đáng kể. Mặc dù vậy, sự phát triển kinh tế, đặc biệt các hoạt động sản xuất công nghiệp, đã dẫn tới sự gia tăng các tác động xấu tới môi trường. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường luôn là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Ở nước ta, công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thể hiện qua các văn bản như Nghị Quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh. Để hiện thực hóa chủ trương này, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn thiện, góp phần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tốt hơn tác động xấu tới môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua vào ngày 23/6/2014 chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Để thực hiện quản lý môi trường hiệu quả, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng công tác giám sát, quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng môi trường đóng một vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, hầu hết các tỉnh/thành phố đã thành lập Trung tâm quan trắc môi trường trực thuộc SởTN&MT hoặc Chi cục bảo vệ môi trường, với lực lượng cán bộ và trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế. Các Trạm quan trắc môi trường quốc gia, Trung tâm quan trắc môi trường của các tỉnh cũng như hoạt động quan trắc của các Bộ/ngành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đánh giá hiện trạng, xu hướng diễn biến môi trường ở các khu vực, các vùng cũng như tác động từ hoạt động của các ngành kinh tế – xã hội đến môi trường. Các điểm quan trắc phân bố trên địa bàn các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các điểm nóng về môi trường như các đô thị lớn, khu công nghiệp, các vùng sinh thái nhạy cảm về môi trường. Hoạt động quan trắc thường xuyên các thành phần môi trường không khí (gồm cả tiếng ồn), nước mặt lục địa, nước biển ven bờ, biển khơi, môi trường đất, chất thải rắn, phóng xạ môi trường, mưa axit và môi trường lao động đã từng bước đi vào nề nếp…

“Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện quan trắc môi trường nhưng do còn hạn chế về năng lực con người cũng như trang thiết bị, công tác quan trắc môi trường vẫn chưa đạt được những hiệu quả mong muốn. Trước những thách thức đặt ra trong thực tế thời gian vừa qua, việc tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường cần phải được đẩy mạnh và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời cảnh báo và sớm ngăn ngừa các tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Để tăng cường triển khai các quy định của pháp luật về quan trắc môi trường trong thời gian tới, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường ở Việt Nam” nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng hoạt động quan trắc môi trường ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong công tác quan trắc môi trường nhằm định hướng các nội dung, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong rằng, thông qua Hội thảo, Bộ TN&MT sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để từ đó xác định những định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm, Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường); đại diện Sở TN&MT Đồng Nai và các chuyên gia quốc tế đã tham gia trình bày và giới thiệu khái quát các nội dung liên quan tới Quy định pháp luật, định hướng các giải pháp và kế hoạch thực hiện các nội dung quan trắc môi trường; hiện trạng quan trắc môi trường của Việt Nam; kinh nghiệm về lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai; các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng hệ thống quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường tại Việt Nam.

Đồng thời, đại diện các đơn vị quan trắc tại địa phương và quốc gia; các nhà quản lý cũng như đơn vị tư vấn đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thảo luận cởi mở về các vấn đề liên quan tới sự cần thiết phải lập một mạng lưới quan trắc môi trường tổng thể trên cả nước; tăng cường áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ cho công tác quan trắc môi trường; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận và bế mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những bài tham luận bổ ích của các diễn giả và các chuyên gia quốc tế cũng như những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo. Các ý kiến quý báu đó một lần nữa khẳng định được tầm quan trọng của hoạt động quan trắc trong công tác quản lý bảo vệ môi trường; đồng thời cũng đề cập tới một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; đổi mới công nghệ quan trắc; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia trong hoạt động quan trắc TN&MT; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc TN&MT…

Thứ trưởng cho biết, hiện nay Bộ TN&MT đang tích cực triển khai các hoạt động để tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường, trong đó tập trung tổ chức triển khai Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016-2025. Để hoạt động quan trắc môi trường tiếp tục góp phần quan trọng trong phòng ngừa, kiếm soát, ứng phó và quản lý tốt hơn công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, thông qua Hội thảo lần này, Thứ trưởng hy vọng rằng, sự gắn kết hợp tác giữa các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động quan trắc môi trường sẽ ngày càng khăng khít hơn, các mối quan hệ đối tác sẵn có càng thêm sâu sắc và nhiều mối quan hệ đối tác mới được xây dựng đóng góp quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường một cách bền vững, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Monre.gov.vn

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường ở Việt Nam