Nhìn lại những sự kiện nổi bật của nền giáo dục Việt Nam năm 2016

04/01/2017 11:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Năm 2016 vừa qua có rất nhiều sự kiện giáo dục tác động mạnh mẽ đến hàng triệu học sinh trên cả nước. Bên cạnh những điểm đổi mới đáng ghi nhận, vẫn còn những nỗi lo, sự trăn trở từ các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Cùng PV Lao Động điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm vừa qua.

1. Kỳ thi 2 trong 1 THPT Quốc gia 2016 giảm áp lực cho toàn xã hội

Năm 2016, kỳ thi THPT Quốc gia được đánh giá là một trong những kỳ thi tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Việc chuyển đổi từ mô hình cụm thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 từ việc chỉ có 38 cụm thi liên tỉnh để thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, sang tổ chức 120 cụm thi đại học ở tất cả các địa phương khiến cho kỳ thi diễn ra một cách nhẹ nhàng và tiết kiệm chi phí cho xã hội rất nhiều từ việc ăn, ở, nhà trọ, đi lại…

thi-sinh_etrq

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại Hà Nội. Ảnh Trần Vương

Đây là một trong những kỳ thi đặc biệt quan trọng với hàng triệu học sinh trên cả nước mà diễn ra một cách rất nhẹ nhàng, nghiêm túc, đặc biệt tạo sự thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh, nâng cao trách nhiệm của các sở giáo dục – đào tạo địa phương.

2. Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ chỉ còn 3 bài thi

Tháng 9.2016, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi sẽ giao về các sở GD&ĐT chủ trì. Cả nước chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và đại học như năm 2016.

a2_kscx_udgo

theo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, kỳ thi này sẽ tổ chức 5 bài thi trong đó 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn. Ảnh: Trần Vương

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tổ chức theo 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (3 bài thi bắt buộc) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lí, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa lý với Giáo dục thường xuyên). Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Các thí sinh sẽ phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

3. Dự kiến tuyển sinh đại học năm 2017 sẽ bỏ điểm sàn

Ngày 16.12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017.

Theo dự thảo, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Bộ GD&ĐT cũng sẽ không đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng vào ĐH (điểm sàn) như những năm trước, tất cả các trường đều phải minh bạch thông tin về tuyển sinh trên website của trường và Cổng Thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó, phải có thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra và vị trí việc làm của ngành đào tạo, tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp; điều kiện và điểm nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT)… của trường.

tuyen-sinh_nzha

Dự kiến tuyển sinh năm 2017 sẽ không còn điểm sàn, điều này đang là vấn đề dư luận rất quan tâm trong thời gian gần đây. Ảnh: Trần Vương

Bộ GD&ĐT yêu cầu những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/ bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống.

Khác với năm 2016 – thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 7, năm 2017, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng trước khi thi. Trong quy định về tổ chức xét tuyển, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ không giới hạn số nguyện vọng của thí sinh.

4. Báo động tình trạng xuống cấp của văn hóa học đường

Năm 2016, văn hóa học đường nói chung và bạo lực học đường nói riêng là một trong những vấn đề khiến ngành giáo dục và cả xã hội phải đau đầu. Theo báo cáo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó các vụ án hình sự và ngày càng gia tăng.

Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà là những hình ảnh học sinh mặc đồng phục, tuổi từ 10 – 18, cầm dao, phớ, kiếm và cả súng tự chế hay súng mua chui trên thị trường để “xử nhau” chỉ vì những lí do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là đánh cho bõ ghét. Tệ hại hơn nữa là những hành vi vi phạm truyền thống tôn sư trọng đạo của cả một dân tộc như học sinh vô lễ, vô ý thức kỷ luật, thầy đánh trò, xúc phạm trò. Học sinh quá dễ dãi trong tình yêu, yêu quá sớm và nhiều hệ lụy khác… Những vụ việc làm xôn xao dư luận khiến các bậc phụ huynh học sinh thật sự lo lắng khi con em mình đang ở tuổi tới trường.

van-hoc-hoc-duong-bao-dong-do_hfdf

Báo động văn hóa học đường ngày càng có nhiều điều khiến phụ huynh, học sinh và toàn xã hội trăn trở.

Năm 2016 các vụ giáo viên đánh, chửi học sinh và các vụ việc bạo lực của học sinh càng ngày càng nhiều. Nhiều vụ việc học sinh đặc biệt là nữ sinh dễ dàng đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều video clip xuất hiện trên mạng xã hội kèm theo cả những lời lăng mạ, chửi thề của học sinh.

Trào lưu câu like, sống ảo gây những hậu quả nghiêm trọng cũng gia tăng. Trào lưu nói là làm trên mạng xã hội với những hành động tiêu cực cũng đã xảy ra khiến cả xã hội phải hốt hoảng, đáng chú ý trong thời gian gần đây là vụ việc nữ sinh tưới xăng đốt trường sau khi đủ lượng like trên mạng xã hội facebook.

Theo Lao động


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhìn lại những sự kiện nổi bật của nền giáo dục Việt Nam năm 2016
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.