Những chặng đường vẻ vang của phụ nữ Việt Nam dưới cờ Đảng vinh quang

Băng Tâm|20/10/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) ngày càng phát huy vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

8-chu-vang.jpg
Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: "Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang".

Truyền thống tự hào

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời kỳ dựng nước, đấu tranh chống Bắc thuộc cho đến năm 1930, phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định được ý chí, phẩm chất, truyền thống, nét văn hóa riêng biệt của mình và của dân tộc Việt Nam; có nhiều đóng góp to lớn vào lịch sử phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng cơ bản để phụ nữ Việt Nam tiếp tục bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những tên gọi: Phụ nữ Giải phóng; Hội Phụ nữ Dân chủ; Hội Phụ nữ Phản đế; Đoàn Phụ nữ Cứu quốc của Hội Phụ nữ qua các thời kỳ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu như tấm gương hy sinh của chị Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn  - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn.

Ngày 3-10-1946, Hội LHPN Việt Nam chính thức thành lập trên cơ sở tập hợp các tổ chức phụ nữ, trong đó, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là nòng cốt. Trong chín năm kháng chiến trường kỳ, đông đảo phụ nữ được giải phóng đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự và quốc phòng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Các phong trào có sức lan tỏa rộng khắp như: phụ nữ học cày bừa, phụ nữ tăng gia sản xuất, mua công phiếu kháng chiến, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc đói”, “đời sống mới”, tham gia Hội mẹ chiến sĩ, sản xuất hàng tiêu dùng và vũ khí, quân trang, thuốc men, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho kháng chiến...

Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ vừa là lực lượng đấu tranh vừa trực tiếp tham gia các hoạt động đánh giặc. “Đội nữ du kích Hoàng Ngân”, các Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, “Nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi,... là những tấm gương làm rạng danh phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này. Trân trọng những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt và miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho chiến trường Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Phong trào thi đua “Năm tốt” bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ từ năm 1961 (ở miền Bắc), là cơ sở quan trọng để phụ nữ phấn đấu trở thành những người có khả năng toàn diện, có thể gánh vác những nhiệm vụ mới nặng nề trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt; xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” do Hội LHPN Việt Nam phát động nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi và rộng lớn. Đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sĩ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”... Trong Nam, phong trào thi đua “Năm tốt” được phát động, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Hàng triệu hội viên, phụ nữ giải phóng đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện, hình thành nên “Đội quân tóc dài” nổi tiếng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”, là niềm tự hào của dân tộc và là nỗi khiếp sợ của kẻ thù; xứng đáng với lời khen tặng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, đến nay đã có 5 tập thể nữ và 327 cá nhân nữ đã được phong tặng, truy tặng AHLLVTND và AHLĐ thời kỳ kháng chiến. Từ năm 1994 đến nay, Đảng và Nhà nước đã chính thức vinh danh và phong tặng, truy tặng cho 139.000 Bà mẹ VNAH. Sự hy sinh to lớn đó đã tô đậm thêm phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (ngày 19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân”.

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mở ra kỷ nguyên mới và trong những ngày non sông về một mối, Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hợp nhất, lấy ngày 20-10-1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.

Bước tiếp truyền thống vẻ vang

pnvn(1).jpg
Năm 2016, lần đầu tiên nước ta có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho thấy vị trí, vai trò của người phụ nữ ngày càng cao hơn.

Mỗi kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc là một cột mốc đánh dấu sự phát triển và vai trò cực kỳ quan trọng của tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Các phong trào do Hội phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 7-6-1984, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TƯ, “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ”, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với đội ngũ cán bộ nữ. Ngày 29-7-1980, Việt Nam ký “Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (CEDAW) của Liên hợp quốc, có hiệu lực với Việt Nam từ 19-3-1982. Ngày 12-2-1985, Ủy ban Quốc gia về thập kỷ của phụ nữ Việt Nam được thành lập và cũng là tiền thân của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay.

Trong gần 35 năm đổi mới, vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Đảng luôn nhấn mạnh phụ nữ là một lực lượng quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng và các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình.

Bên cạnh đó, Đảng cũng yêu cầu phải thể chế hóa công tác phụ nữ trong hệ thống pháp luật nhằm phát huy vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng cao hơn. Nhiều chế định pháp luật mang yếu tố bình đẳng giới được bổ sung, quy định trong nhiều bộ luật, luật, nghị định... Năm 2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội chính thức thông qua, là cơ sở để phụ nữ được quan tâm toàn diện hơn, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội cũng như cấp ủy và hội đồng nhân dân các cấp tăng lên theo từng nhiệm kỳ. Đặc biệt, năm 2016, lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đến nay có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy, 2 nữ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, phong trào phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sự phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động, kinh tế số,... sẽ giúp phụ nữ thuận lợi, chủ động hơn trong cân đối việc làm với cuộc sống gia đình. Sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao trên thế giới, nguy cơ số phụ nữ bị tác động tiêu cực trong giai đoạn mới là rất lớn. Lao động nữ trong những công việc giản đơn, chưa qua đào tạo, có tiền lương thấp dễ bị mất việc làm nhất do sự thay thế của công nghệ. Những người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số do sự hạn chế về học vấn, đào tạo tay nghề, lại chịu nhiều áp lực hơn bởi những định kiến giới truyền thống sẽ là tầng lớp chịu nhiều rủi ro hơn cả.

Hơn 90 năm dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, vượt qua bao khó khăn, Hội LHPN Việt Nam đã để lại những dấu ấn quan trọng trên mọi lĩnh vực, tiếp tục phát huy vai trò của mình trong thập niên mới của thế kỷ XXI.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chặng đường vẻ vang của phụ nữ Việt Nam dưới cờ Đảng vinh quang