(Moitruong.net.vn) – Các chuyên gia ung bướu khẳng định, sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái… khiến người bệnh không chỉ tiền mất tật mang mà còn bỏ qua mất “giai đoạn vàng,” dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí để cả tử vong.
GS. Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Namcho biết, có một số bệnh người ta quy định thức ăn riêng cho người bệnh để tránh bệnh nặng lên và ảnh hưởng tới việc điều trị. Chẳng hạn như người mắc bệnh thận, bệnh tim phải kiêng ăn mặn, bệnh đái tháo đường phải kiêng ăn đường, bệnh suy gan cần kiêng một số thực phẩm gây khó tiêu…
Tuy nhiên, bệnh ung thư không có chế độ ăn kiêng. Bởi, với bệnh nhân ung thư cần ăn đầy đủ về chất đường, chất đạm, chất mỡ, đủ calo, đủ dinh dưỡng để đủ sức chịu được các biện pháp điều trị. Nếu có trường hợp một bệnh nhân vừa mắc bệnh ung thư và có thêm bệnh khác thì ăn kiêng là ở bệnh khác. Chẳng hạn như vừa ung thư vừa có bệnh tiểu đường thì phải kiêng ăn đường…
Bản thân bệnh ung thư không kiêng bất kỳ một loại thực phẩm nào mà phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo mới có sức để chịu đựng được các biện pháp điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… Do đó, những quan niệm nhịn đói hay ăn kiêng để điều trị ung thư là quan niệm sai lầm, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí là gây tử vong cho người bệnh.
Giáo sư Đức cho rằng nhịn đói hay không nhịn đói thì tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn. Tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt… sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng, tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu đói, bệnh nhân ung thư sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết vì bệnh, giáo sư Đức cho biết.
GS. Đức cũng khuyên rằng, người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay hay dùng gạo lứt để hỗ trợ điều trị bệnh thì phải đảm bảo rằng chế độ ăn chay này là lành mạnh và cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Bởi, nếu không đủ năng lượng và dưỡng chất thì người bệnh sẽ gầy yếu, suy kiệt và sẽ không đủ sức để chống chọi với bệnh tật.
Các chuyên gia ung bướu cũng khẳng định, sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái… khiến người bệnh không chỉ tiền mất tật mang mà còn bỏ qua mất “giai đoạn vàng,” dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí để cả tử vong.
Do đó, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe con người cần phối hợp nhiều loại thức ăn trong ngày (khoảng 15 – 20 loại thực phẩm khác nhau). Như vậy mới cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, duy trì cân nặng nên có. Thỉnh thoảng có thể nhịn ăn với sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng và thực hiện các bữa ăn nhẹ (nghèo calo). Nhịn ăn với mục đích chữa bệnh cần được cân nhắc với từng cá thể, từng loại bệnh và theo dõi chặt chẽ của người có kiến thức về y tế cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Thùy Giang