Phòng, chống hạn mặn: Nhiều tỉnh muốn khôi phục ao, hồ như ‘giếng làng’

Thanh Hương (T/h)|08/03/2020 10:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đủ cách xoay trở trong đợt hạn, mặn khốc liệt mùa khô năm 2020. Sau cùng, nhiều địa phương ở miền Tây muốn khôi phục ao, hồ như giếng để trữ nước ngọt.

Xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, người dân miền Tây đã khoan sâu xuống lòng đất để hút nước ngầm, chạy sà lan lên hướng thượng nguồn để chở nước ngọt về… nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (tỉnh Bến Tre) có trữ lượng gần 1 triệu m3 nhưng đã nhanh chóng bị nhiễm mặn ngay từ đầu mùa khô. Lý do: độ mặn còn tồn lại từ dưới đáy trong những năm trước và hiện độ mặn 1,5‰ vẫn đang là điều kiện “lý tưởng” với tình hình thực tại. Ông Cao Văn Trọng – chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – cho biết ngoài hồ chứa nước Ba Tri, tỉnh đang tiếp tục khép kín hệ thống cống để biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt trên 1 tỉ m3 nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho TP Bến Tre và các huyện lân cận, các khu công nghiệp và bệnh viện của tỉnh.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Tiền Giang – cho biết tỉnh đã đầu tư gần 20 tỉ đồng để thi công đập thép ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm biến thành hồ chứa nước ngọt với trữ lượng hàng chục triệu mét khối cung cấp nước cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 hộ dân địa phương. Song song đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình Thủ tướng cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí 400 tỉ đồng để đầu tư hồ chứa nước ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (hiện đang làm đập tạm).

Trong khi đó, ông Nguyễn Long Hoai – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau – nói tỉnh này nhiều năm nay vẫn kiên trì đề xuất hai giải pháp, đó là dẫn nguồn nước từ sông Hậu về và trữ nước tại địa phương. Theo ông Hoai, thực tế việc xây dựng hồ chứa nước ở Cà Mau đã được tỉnh đặt ra từ nhiều năm trước. Theo kế hoạch ban đầu, Ngân hàng Thế giới sẽ tài trợ cho Cà Mau 20 triệu USD để xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt. Diện tích mặt hồ dự kiến sau khi xây dựng là 190ha.

Theo phương án được Chính phủ phê duyệt, hồ sẽ được xây tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Thế nhưng ngại rằng nếu xây hồ ở vị trí này thì dự án sẽ gây ảnh hưởng đến diện tích rừng đặc dụng, nên phía Ngân hàng Thế giới không thống nhất. Tỉnh Cà Mau sau đó đã khảo sát và chọn nơi khác thuộc vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ. Kinh phí thực hiện dự án giảm một nửa, còn 10 triệu USD. Phía Ngân hàng Thế giới chấp nhận cho tỉnh bước vào thực hiện giai đoạn 2 của dự án; phía Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đang lập dự án tổng (tiền khả thi)… nhưng đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (tỉnh Bến Tre) hiện là hồ chứa nước ngọt đầu tiên ở miền Tây được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, trong mùa khô năm nay, độ mặn trong hồ đã lên đến 1,5‰ – Ảnh: Mậu Trường

Cải tạo ao, hồ thành giếng trữ nước ngọt

Theo ông Phạm Tấn Đạo – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, giải pháp cho các hồ này là đầu tư theo hình thức xã hội hóa, cho doanh nghiệp tham gia mua đất nông nghiệp, sau đó đào hồ (theo thiết kế) lấy đất san lấp mặt bằng rồi giao lại cho Nhà nước quản lý. Với cách làm này, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều có lợi. Tuy nhiên, muốn chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều pháp lý khác. Ngoài ra, hồ trữ nước dù quy mô cỡ nào cũng không thể giải quyết được bài toán đủ nước ngọt phục vụ sản xuất trên diện tích lớn. Chưa kể một khi mặn xâm nhập sâu nội đồng, những hồ chứa nước này cũng bị nhiễm, trở thành hồ nước mặn.

Trước mắt, Sóc Trăng đã đề xuất Bộ NN&PTNT chấp thuận cho tỉnh triển khai nạo vét, nâng cấp tuyến kênh trục trong vùng dự án này thành “hồ” chứa nước ngọt. “Hệ thống kênh trục mới trữ được nhiều nước, chứ hồ chứa chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, cách tận dụng này cũng giảm được kinh phí đầu tư” – ông Đạo lý giải.

Đồng quan điểm, ông Lưu Hoàng Ly – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu – cho rằng giải pháp lâu dài cần phải tính tới việc trữ nước cho cả khu vực ĐBSCL chứ không riêng gì Bạc Liêu hay tỉnh nào, trong đó đặc biệt tính tới nguồn nước từ thượng nguồn. Chẳng hạn muốn trữ nước hiệu quả ở Bạc Liêu thì cần làm hồ từ Kiên Giang hay ở Ô Môn (Cần Thơ) mới giải quyết tốt cho các tỉnh bên dưới và lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu và một vùng của Cà Mau. Còn hiện nay, phần lớn cũng chỉ làm nhỏ lẻ từng tỉnh hoặc chỉ tạm thời như đắp đập thời vụ.

“Việc xây dựng hồ trữ nước chung cho cả vùng họ cũng đã nói từ lâu, nhưng thực tế chưa triển khai. Tôi cho rằng làm hồ trữ nước cục bộ từng địa phương là cần thiết nhưng chưa đủ và cũng không chủ động được. Nếu có công trình chung cho cả vùng thì từng địa phương ngoài việc có nguồn nước còn chủ động hơn trong việc điều chỉnh cây – con cho phù hợp” – ông Ly chia sẻ.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan
  • Đề nghị hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn và xâm nhập mặn
    Moitruong.net.vn – Ngày 15.2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký văn bản gửi Thủ tướng đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn; cung cấp nước sinh hoạt cho người dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống hạn mặn: Nhiều tỉnh muốn khôi phục ao, hồ như ‘giếng làng’