(Moitruong.net.vn) – Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 29/3, Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai tiếp tục nghe tham luận của các địa phương, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học trong và ngoài nước về kinh nghiệm, giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai.
>>>Xu thế thiên tai mùa mưa bão năm 2018
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên làm việc chiều của Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên thảo luận.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị này, Chính phủ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà các cấp, các ngành đã đạt được trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai thời gian qua, cám ơn và đánh giá cao các tổ chức và bạn bè quốc tế đã hỗ trợ kịp thời trong công tác phòng chống, khắc phục thiên tai, nhất là sau cơn bão số 12 năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng, do vị trí địa lý và do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, khó lường.
“Nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Việt Nam sẽ là rất nặng nề, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP. Năm 2017, thiên tai làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế trên 60.000 tỷ đồng, nhiều người dân, đặc biệt là vùng miền núi, ven sông suối, ven biển bị mất nhà cửa, phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn.
Phó Thủ tướng trao tặng các bức vẽ của trẻ em Việt Nam về thiên tai cho đại diện các nước đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai
Mới tập trung phòng chống, chưa chú trọng phòng ngừa, thích nghi
Theo Phó Thủ tướng, có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiệt hại đặc biệt lớn do thiên tai gây ra. Phòng chống thiên tai bao gồm phòng ngừa, thích nghi, ứng phó và khắc phục hậu quả, những khâu này có liên quan mật thiết với nhau. Nếu phòng ngừa, thích nghi tốt thì ứng phó sẽ hiệu quả, hậu quả được giảm nhẹ.
Trong khi đó, công tác phòng chống thiên tai tuy đã được tập trung nhưng công tác phòng ngừa, thích nghi với thiên tai lại chưa được triển khai hiệu quả.
“Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là quy hoạch bố trí dân cư. Người dân vẫn ở những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, do đó mỗi khi thiên tai xảy ra, hậu quả là đặc biệt lớn”, Phó Thủ tướng nói.
Một ví dụ khác được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn chứng là việc thiết kế xây dựng các công trình hạ tầng, nhà ở chưa gắn với ứng phó thiên tai. Qua thực tế chỉ đạo ứng phó với bão lụt tại các tỉnh miền Trung, nhà dân chủ yếu sử dụng mái ngói, mái tôn, do đó rất dễ bị bay, tốc mái, gây ra sập đổ. Trong khi đó, yêu cầu với nhà dân tại các khu vực này là nền cứng, tường cứng, mái cứng và người dân vẫn chưa được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể để có thể thích nghi hiệu quả với thiên tai.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công tác tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chưa gắn với yêu cầu ứng phó hiệu quả với thiên tai, từ đó chưa có các sản phẩm, phương pháp thực sự phù hợp.
Một nguyên nhân khác khiến hậu quả thiên tai là rất nặng nề chính là yếu tố chủ quan, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là vai trò người đứng đầu.
“Nếu người đứng đầu thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, thì hậu quả sẽ được giảm thiểu. Trách nhiệm, sự vào cuộc của người dân đóng vai trò quyết định, nhưng vẫn gắn chặt với vai trò của người đứng đầu”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai
Yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân
Trên cơ sở diễn biến, tình hình thiệt hại và yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tính mạng, bảo vệ an toàn tài sản của người dân, trong đó trước hết là bảo đảm an toàn tính mạng.
“Cần phải gắn chặt phòng ngừa, thích nghi, ứng phó với khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ xây dựng quy hoạch, kế hoạch; cùng với đó có sự liên kết, hợp tác quốc tế chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng chống thiên tai, đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai.
Cùng với đó, phải sửa đổi, bổ sung các luật, quy định về xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm giúp người dân có thể phòng ngừa, thích nghi hiệu quả với thiên tai.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy của các cơ quan chuyên trách phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, đề án tổng thể phòng chống thiên tai cho các vùng, các địa phương, phù hợp với thực tế. Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, cần gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa phương.
Một yêu cầu nữa cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý là hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai.
Cuối phiên họp chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua.
Theo VGP