Quản lý thức ăn đường phố: Luật quy định một đằng, cơ sở thực hiện một nẻo!

(Theo Nguyễn Hùng/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)|28/09/2016 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Hiện nay, tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người đang là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều phía nhưng có thể kể đến việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về vấn đề ATTP của các cơ sở kinh doanh chưa thực sự nghiêm túc, điều đó đã góp phần làm bùng phát tình trạng mất ATTP.

Untitled-20

Thức ăn được bày bán cạnh nguồn gây ô nhiễm

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng. Đối với Việt Nam, theo Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số: 30/2012/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.

Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập; Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định, có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm…

Để nắm bắt và phản ánh một cách chân thực, rõ nét về việc chấp hành các quy định của nhà nước về điều kiện ATTP của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chúng tôi đã tìm về các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội – những nơi mà luôn nhộn nhịp bởi các hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố kéo dài từ chiều tối cho đến đêm.

Hiện hữu mối lo mất ATTP

Dọc trên đoạn đường Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, tại khu vực xóm Đình, xóm Chùa được mệnh danh là thiên đường ăn uống của đa số những người đang ngụ cư nơi đây. Bởi ở khu vực này có hàng chục các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, từ các quán phở bình dân đến các quán lẩu, quán ốc hay đơn giản là các quán chè, quán trà đá,…

Untitled-21

Đồ ăn được bày tơ hơ trên các sập bán hàng

Có lẽ thực khách chỉ tìm về nơi đây bởi sự đa dạng và phong phú về đồ ăn thức uống cũng như số lượng hàng quán dồi dào đủ để phục vụ nhu cầu của khách hàng bất cứ khi nào. Nhưng liệu có ai quan tâm đến việc tuân thủ các điều kiện về ATTP ở những cơ sở này? Qua tìm hiểu, chúng tôi thực sự bất ngờ khi hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở đây đều không đảm bảo các điều kiện về ATTP.

Theo đó, thức ăn chín, đồ uống để phục vụ khách hàng tại các hàng quán chỉ được bày “tơ hơ” trên các sập bán hàng chứ không được để trong tủ kính hay bất kì thiết bị bảo quản hợp vệ sinh nào. Đồng thời các chủ cơ sở cũng không sử dụng bất kì một biện pháp nào để phòng chống bụi bẩn, ruồi, nhặng, côn trùng xâm nhập vào thức ăn. Không chỉ thế, ngay dưới chân các sập bầy bán thực phẩm là các xô, chậu đựng nước để rửa và tráng bát đũa chỉ có 2 chậu nước cứ tráng qua tráng lại với số lượng bát, đũa, thìa nhiều như vậy và quy trình cứ thế dùng cho các khách hàng tiếp theo. Dưới nền thì nhầy nhụa những dầu mỡ đen kịt, trơn nhớt trông bẩn thỉu vô cùng. Có thể nói, chính những tác nhân này sẽ làm cho thực phẩm bị ô nhiễm chứ chưa kể đến việc chế biến, vận chuyển như thế nào.

Qua quan sát của phóng viên, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố tại các cơ sở ở đây đang lấn chiếm hết lòng đường, vỉa hè. Theo đó, hai bên đường san sát các quán ăn, bàn ghế bày cả ra vỉa hè, lòng đường, hàng quán được bao bọc bởi một đến hai hàng dài các phương tiện ô tô, xe máy của khách lấn chiếm hết cả 2/3 lòng đường. Còn quanh khu vực hồ xóm Chùa, xã Tân Triều, Thanh Trì thì kín mít bàn ghế của các quán chè và quán trà đá. Tình trạng này đã và đang làm mất mỹ quan đường phố, làm ô nhiễm môi trường do hoạt động ăn uống của con người sẽ kéo theo các loại rác thải và bị xả thẳng ra lòng đường, lòng hồ.

Tại tuyến phố Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, nơi nổi tiếng với các quán ăn đêm. Nhưng việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh nơi đây cũng không khác gì so với khu vực xóm Đình, xóm Chùa. Các hàng quán cũng được bày bán san sát nhau, la liệt các đồ ăn, thức uống được phơi trên các quầy sập để “gọi mời” thực khách nhưng chính hình thức gọi mời đó lại là một lời cảnh tỉnh đối với những ai quan tâm đến vấn đề ATTP khi mà hầu hết các đồ ăn ngay không được bày bán theo đúng quy định ATTP. Quan sát thấy phía dưới các gầm bàn, gầm ghế rồi lòng đường toàn là những rác rưởi như giấy ăn, đồ ăn bị rơi vãi mà không được quét dọn theo quy định. Như thế có khác nào các hàng quán đang mời thực khách vào để ngồi ăn trên bãi rác?

Kinh tởm và ghê rợn hơn khi chúng tôi tìm đến tuyến phố Đội Cấn, quận Ba Đình – nơi được nhiều thực khách biết đến với các cơ sở kinh doanh thức ăn được chế biến tại chỗ như bánh xèo, nem lụi, ốc luộc… Quan sát thấy, hoạt động chế biến thức ăn ở đây quá bẩn thỉu khi mà những mẻ ốc luộc, ốc xào được chế biến ngay dưới nền đường, bếp dùng để đun nấu được đặt bệt dưới nền đường trong khi khu vực chế biến thì chật chội, bẩn thỉu, nhớp nháp. Những chiếc nem chua được tẩm bột chiên xù trực tiếp bằng tay mà không có găng tay sử dụng một lần. Thử hỏi, với hình thức và điều kiện chế biến thực phẩm như thế này có đảm bảo được điều kiện nào về ATTP?

Tại các hàng quán ở khu vực đường Trần Bình, ngay trước cổng làng Phú Mỹ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế trong việc đảm bảo ATTP khi mà các “đầu bếp” cứ tay trần chế biến từ đồ sống đến đồ chín. Khu vực bày bán và dưới chân các bàn ăn thì bẩn thỉu, nhơ nhớp, các hàng quán lấn chiếm hết vỉa hè để làm chỗ ngồi cho khách. Thêm một điểm tựu chung mà chúng tôi nhận thấy ở hầu hết những địa điểm đã tìm đến là khi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống chế biến sẵn, người chế biến không sử dụng găng tay hoặc nếu có sử dụng thì chiếc găng tay đó cũng được dùng làm nhiều thứ vừa bốc thức ăn, vừa dùng để trả tiền cho khách và dùng lại nhiều lần chứ không phải một lần duy nhất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây mất ATTP.

Thực trạng không đảm bảo ATTP không chỉ diễn ra tại các tuyến phố nơi có la liệt các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố mà ngay tại các khu chợ dành cho sinh viên như chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, hay chợ Nhà Xanh, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy – nơi nổi tiếng với các loại đồ rẻ từ thức ăn đến trang phục, đồ dùng đang hiện hữu chân thực nhất mối lo mất ATTP. Khi mà các quán bán đồ ăn ngay ở đây mọc lên như nấm với đủ các loại thực phẩm ăn ngay như chè, xúc xích, lạp xưởng, chả cá,… với giá rất rẻ  2.000đ một xiên chả cá; 8.000đ một chiếc xúc xích, … Khi được hỏi về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm thì đa số các chủ cơ sở đều từ chối trả lời hoặc không chứng minh được. Thực tế đó khiến dư luận đặt ra một dấu hỏi lớn về chất lượng ATTP tại các cơ sở kinh doanh này.

Thiết nghĩ, trước thực trạng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo về các điều kiện ATTP, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mĩ quan đường phố, để xảy ra những bất cập trên các cấp chính quyền địa phương có biết và nói gì về vấn đề này? Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin trong số báo tiếp theo.

(Theo Nguyễn Hùng/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quản lý thức ăn đường phố: Luật quy định một đằng, cơ sở thực hiện một nẻo!
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.