TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng lò đốt rác phát điện 700 triệu USD

Mai Anh|04/02/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự án thiết kế có thể tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn rác/ngày với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 450 triệu USD.

Mới đây, đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) do ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch hiệp hội, dẫn đầu đến tham quan và tìm hiểu tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

dot-rac.jpg
Các thành viên đoàn tham quan dây chuyền xử lý nước rỉ rác.

Bà Huỳnh Lan Phương, Phó tổng giám đốc VWS, cho biết: Mỗi ngày công ty xử lý khoảng 7.000 tấn rác thải, đặc biệt dịp tết khối lượng rác tăng lên rất nhiều nhưng công ty vẫn đảm bảo xử lý tốt nhất. Phía doanh nghiệp mong muốn chính quyền, hiệp hội quan tâm hỗ trợ nhiều hơn về chế độ, chính sách đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại.

Cũng theo VWS đang chuẩn bị phương án thay đổi công nghệ đốt rác phát điện ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và triển khai dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An. Dự án thiết kế có thể tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn/ngày với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 450 triệu USD.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết đây là lần đầu tiên xuống tham quan, tiếp xúc với Công ty VWS để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của VWS. Đặc biệt, Huba rất quan tâm đến những kế hoạch, đầu tư của VWS trong việc chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.

"Sắp tới Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ làm việc với Huba để lắng nghe những phản ảnh, kiến nghị… của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó thành phố có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến phản ảnh những khó khăn, kỳ vọng cũng như đề xuất của các doanh nghiệp nhằm chuyển tải đến lãnh đạo chính quyền nhiều hơn. Qua đó, chính quyền cùng với hiệp hội, doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển", ông Hòa chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng lò đốt rác phát điện 700 triệu USD
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.