Ảnh minh họa
Một trong những cách trị cảm lạnh là dùng thuốc tây. Bên cạnh đó, có những bài thuốc từ các nguyên liệu tự nhiên mà chúng ta thường sử dụng hàng ngày cũng có tác dụng trị cảm lạnh những ngày mùa đông, nhiệt độ xuống thấp vô cùng hiệu quả.
Bài 1: Nước hãm gừng tươi tía tô: Lá tía tô 30g, gừng tươi 15g, sắc hãm 15 phút, gạn nước thêm đường uống. Dùng cho người bị ngoại cảm phong hàn nôn, đau bụng.
Bài 2: Ngũ thầm thang: Gừng tươi, kinh giới, tử tô diệp, trà, lượng thích hợp cùng đem sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, uống. Dùng cho người ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).
Bài 3: Cháo kinh giới phòng phong: Kinh giới 10g, phòng phong 12g, bạc hà 6g, đạm đậu xị 8g, gạo tẻ 80g. Đem dược liệu nấu lấy nước, cho gạo vào nấu cháo, cháo chín cho nước thuốc và đường trắng vào khuấy đun sôi đều. Dùng cho người bị cảm sợ lạnh, sợ gió, đau đầu.
Bài 4: Cháo đào nhân: Đào nhân 20g, gạo 60g. Đào giã nát, lọc lấy nước, đem nấu với gạo, cho ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy tức trướng đau vùng ngực bụng do lạnh. Đơn này cũng chỉ định cho các bệnh nhân đầy tức vùng ngực, hen suyễn, ho.
Bài 5: Cháo hành giải cảm: Hành sống 2 – 3 củ, gừng 10g, gạo tẻ 60g. Hành, gừng giã nát cho vào bát, cho gạo nấu cháo. Cháo chín múc vào bát có hành và gừng, khuấy đều, ăn nóng (thêm đường, muối tùy ý). Dùng cho người ngoại cảm phong hàn, đau bụng, nôn…
Bài 6: Rượu hồ tiêu: Hồ tiêu tán bột 50g, rượu trắng 250ml, ngâm trong 15 ngày. Mỗi lần uống 15ml. Dùng cho người cảm lạnh đau quặn bụng, nôn ra nước trong.
Bài 7: Thông tiêu ẩm: Hành 20g, gừng tươi 10g, bột tiêu 3g, cho vào ấm, cho nước sôi hãm, cho uống. Dùng cho người đau bụng do lạnh, buồn nôn, nôn ra nước trong.
Hồng Nhung (T/h)