Ai Cập: Tìm thấy đền đài và báu vật cổ đại chìm dưới đáy biển

Tú Anh (T/h)|31/07/2019 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các thợ lặn đã phát hiện ra cả một kho báu ở thành phố Heracleion, một thành phố Ai Cập cổ đại chìm dưới đáy biển khoảng 1.200 năm trước.

Các thợ lặn đã tìm thấy nhiều tàn tích của một ngôi đền, vô số đồ trang sức bằng vàng, tiền xu và một số mảnh vỡ của một con tàu dùng làm vật hiến tế.

Thành phố Heracleion nhộn nhịp được đặt theo tên của nhân vật thần thoại Héc-quyn, người dân xưa kia tin rằng Héc-quyn đã từng đặt chân đến đây. Heracleion được xây dựng vào thế kỉ VIII trước Công nguyên bên bờ sông Nile, gần Địa Trung Hải. Lễ đăng quang của nữ hoàng Cleopatra đã diễn ra ở một trong những ngôi đền của thành phố này. Khoảng 1.500 năm sau, thành phố hứng chịu một trận lụt kinh hoàng và ngày nay nó nằm sâu 45 mét dưới biển.

Các cổ vật ở thành phố chìm Heracleion

Kể từ khi được các nhà khảo cổ học phát hiện vào năm 2000, Heracleion (hay còn có tên là Thonis) đã dần dần được vén màn bí mật. Mới đây, các nhà khảo cổ học đã tiến hành cuộc khai quật thành phố kéo dài trong 2 tháng, và họ đã tìm thấy dấu tích của một ngôi đền lớn, trong đó có cả những cột đá và một số tàn tích của một ngôi đền nhỏ bị chôn vùi sâu 1 mét dưới lớp trầm tích đáy biển.

Sau nhiều nghiên cứu liên tục được thực hiện tại địa điểm phát hiện thành phố cổ, các chuyên gia gần đây đã phát hiện ra phần tàn tích của một ngôi đền Hy Lạp với những con tàu chở đầy kho báu nằm sâu dưới nước. Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khảo cổ học người Ai Cập và châu Âu, có sử dụng công cụ quét hình ảnh để xác định các đồ tạo tác còn lại ở đáy biển hoặc bị chôn vùi dưới đáy biến. Họ đã phát hiện ra một phần của một con tàu. Trong các lần khai quật trước đó, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 75 con tàu cả còn nguyên và cả bị hư hại. Phát hiện mới lần này chính là phần còn thiếu của con tàu thứ 61, con tàu được dùng vào mục đích tế lễ.

Con tàu này khá lớn, khi ghép cả hai phần lại, nó dài đến 13 mét và rộng 5 mét. Trên tàu có một số của cải, gồm tiền xu bằng đồng và vàng, cùng một ít đồ trang sức. Tiền xu tìm thấy ở Hecraleion có niên đại vào thời vua Ptolemy II, ông vua trị vì từ năm 283 đến 246 trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy đồ gốm sứ có tuổi đời vào khoảng thế kỉ III – IV trước Công nguyên.

Heracleion được cho là thương cảng chính của Hy Lạp với thế giới, nhưng không tìm thấy dấu vết nào của thành phố bị biến mất này cho đến khi nó được nhà khảo cổ học Franck Gooddio và Viện khảo cổ học dưới nước Châu Âu phát hiện.

“Tên của nó gần như bị san phẳng từ ký ức của loài người, chỉ được lưu giữ trong các văn tự cổ và những dòng chữ hiếm hoi được các nhà khảo cổ học tìm thấy trên đất liền” – tờ nine.com.au dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết.

Khuyên tai vàng tìm thấy tại địa điểm khai quật

Động đất và sóng thần được cho là đã phá hủy thương cảng cổ đại, khiến các tòa nhà đổ sập trước khi mực nước biển dâng dần dần nuốt chửng thành phố cho đến lúc nó bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 8 sau công nguyên.

Các nhà khảo cổ học dưới nước đã sử dụng thiết bị quét công nghệ cao để khám phá, lập bản đồ và khai quật các phần của thành phố.

“Những cổ vật được khôi phục trong cuộc khai quật cho thấy vẻ đẹp và sự huy hoàng, tráng lệ của những ngôi đền lớn, sự phong phú của những chứng tích lịch sử như những bức tượng khổng lồ, chữ khắc và kiến trúc, đồ trang sức và tiền xu, đồ thờ cúng và gốm sứ – một nền văn minh bị đóng băng theo thời gian” – các nhà nghiên cứu giải thích.

Số lượng và chất lượng của các cổ vật được khai quật cho thấy thành phố Thonis-Heracleion từng ở thời kỳ thịnh vượng và đỉnh cao từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 trước công nguyên.

Ngoài thành phố Hecraleion, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành tìm kiếm ở một thành phố khác chìm dưới nước là Canopus. Thành phố này cũng nằm ở vùng Vịnh Abu Qir, Alexandra. Ở Canopus, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy một tòa nhà cổ nằm ở rìa phía Nam cách thành phố khoảng 1 km.

Họ cũng tìm thấy đồ có giá trị ở thành phố này như là tiền xu từ thời Ptolemy và Byzantine, nhẫn và khuyên tai thời Ptolemy. Tất cả những đồ tạo tác này cho thấy Canopus xưa kia là một thành phố nhộn nhịp từ thế kỉ IV sau Công nguyên cho đến thời đại Islam.

Tú Anh (T/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ai Cập: Tìm thấy đền đài và báu vật cổ đại chìm dưới đáy biển
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.