ASEAN nửa thế kỷ ‘vàng’

Nguyễn Viết Chính|26/07/2017 08:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN : 8.8.1967-8.8.2017

(Moitruong.net.vn) – Được coi là nơi khởi đầu của phong trào giải phóng dân tộc từ sau năm 1945, Đông Nam Á đã trở thành khu vực giành được độc lập tự do và đạt nhiều thành tựu to lớn đầy ấn tượng trong xây dựng đất nước và hợp tác phát triển, một trong những thành tựu to lớn đó là sự ra đời và phát triển của tổ chức ASEAN.

asean

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chuông nước chủ nhà Hội nghị WEF ASEAN 2018 từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

ASEAN: Sự hình thành và phát triển

Những năm 50 của thế kỷ XX các nước Đông Nam Á lần lượt giành được độc lập. Đứng trước những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhiều nước Đông Nam Á chủ trương thành lập một tổ chức liên minh khu vực nhằm cùng nhau hợp tác phát triển. Vào ngày 8-8-1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) đã được thành lập tại Bangkok (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước : Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan.

Trong thời kỳ mới thành lập, ASEAN đã có hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Bangkok” (8-1967), xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Gần 10 năm sau, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất họp tại Bali (Indonesia) ngày 24-2-1976, những người đứng đầu Chính phủ năm nước đầu tiên của Hiệp hội đã ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á” tại Bali, quy định những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước thành viên, như : Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; Quyền của mỗi quốc gia tồn tại theo cách riêng của mình, không bị can thiệp, lật đổ và gây sức ép từ bên ngoài; Không can thiệp và công việc nội bộ của nhau; Giải quyết bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; Không đe dọa hay sử dụng vũ lực; Hợp tác có hiệu quả giữa các nước.

Cơ cấu tổ chức ban đầu của ASEAN gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên (mỗi năm một lần); Ủy ban thường trực; Ban thư ký; Ủy ban phối hợp và 9 ủy ban chuyên môn. Trụ sở chính của Ủy ban thường trực đóng tại Bangkok (Thái Lan), trụ sở của Ban thư ký đóng tại Jakarta (Indonesia).

Năm 1984, sau khi giành được độc lập, Brunei đã tham gia và trở thành thành viên thứ 6 của ASEAN. Tháng 7-1992, Việt Nam và Lào chính thức tham gia Hiệp ước Bali. Đây là bước đi đầu tiên tạo cơ sở để Việt Nam hòa nhập  vào các hoạt động của khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, vào ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN. Tháng 9-1997, Lào và Myanmar gia nhập ASEAN. Tháng 4-1999, Campuchia được kết nạp vào tổ chức này. Như thế, ASEAN từ 5 nước thành viên đã phát triển thành 10 nước thành viên. Với 10 nước thành viên, ASEAN trở thành một tổ chức khu vực ngày càng có uy tín với những hợp tác kinh tế (AFTA, 1992) và hợp tác an ninh (Diễn đàn khu vực ARF, 1994).

Tháng 10-2003, tại Hội nghị Bali, các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng kinh tế với 3 trụ cột chính: Cộng đồng an ninh – chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC). Tháng 11-2007, Hiến chương ASEAN được ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13. Hiến chương ra đời, tạo tư cách pháp nhân cho ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực; đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để gia tăng liên kết và hợp tác ASEAN, giúp xây dựng ASEAN trở thành một tổ chức gắn kết hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Sự ràng buộc về pháp lý cùng với sự đổi mới về bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động của ASEAN sẽ giúp thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, làm cho ASEAN trở thành một thực thể chính trị-kinh tế ngày càng gắn kết hơn. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cùng như từng nước thành viên…

Trong suốt quá trình phát triển, ASEAN đã tạo dựng được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2017, Philippines với vai trò Chủ tịch ASEAN đã thông báo chủ đề hợp tác ASEAN năm 2017 là “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” và đề xuất 6 định hướng ưu tiên, gồm : Xây dựng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo; nâng cao năng lực tự cường của ASEAN; đưa ASEAN trở thành hình mẫu hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN. Tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 2-1017 tổ chức tại Boracay, Philippines, các nước đã bàn bạc cụ thể các ưu tiên để định hình ý tưởng và phương hướng cho hợp tác và liên kết của ASEAN trong cả năm 2017.

Việt Nam và ASEAN 

Trong suốt 22 năm gia nhập, Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của ASEAN. Quan hệ Việt Nam – ASEAN phát triển đều khắp trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác trong ASEAN, củng cố vị thế và hình ảnh của Hiệp hội sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN và Chủ tịch ARF giai đoạn 2000-2001, đóng góp tích cực vào việc mở rộng thành viên của ASEAN (kết nạp các nước Lào, Myanmar, Campuchia), phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng, như: Nga, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc và cả EU (với EU là trong nhiệm kỳ 2012-2015).

Trong năm 2016, Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong hợp tác ASEAN, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN, củng cố, tăng cường đoàn kết và vai trò của ASEAN, nhất là trong các vấn đề chiến lược của khu vực. Tiếp tục phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên trên tinh thần thiện chí, chân thành để ghi dấu ấn thành công của ASEAN trong Năm kỷ niệm Vàng 2017.

Theo đó, Việt Nam đã và đang ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ: Củng cố, giữ vững đoàn kết, thống nhất của ASEAN cũng như các nguyên tắc, giá trị đã làm nên bản sắc và thành công của ASEAN; thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể, nhất là trong những lĩnh vực mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân các nước thành viên; tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra; góp phần tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại ngày càng hiệu quả và thực chất hơn; tăng cường công tác tuyên truyền để đưa Cộng đồng ASEAN đi vào cuộc sống, ngày càng gắn bó, gần gũi với người dân và doanh nghiệp.

Sự tham gia tích cực và những đóng góp thiết thực của Việt Nam trong tiến trình phát triển của ASEAN 22 năm qua đã được các nước trong và ngoài Hiệp hội ghi nhận và đánh giá cao. Việc WEF ASEAN một lần nữa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị của WEF ASEAN trong năm 2018 là một minh chứng cho điều đó. Trong thời gian tiếp nối, chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nước bạn trong Hiệp hội chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác, cùng nhau vững bước tiến tới một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường, vì lợi ích của nhân dân các nước ASEAN, vì hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung.

                                                           Nguyễn Viết Chính

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
ASEAN nửa thế kỷ ‘vàng’
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.