Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lấy mẫu gồm: 2 lát cá còn lại của gia đình (khoảng 200 gram) và 1 con cá hồng còn nguyên, trọng lượng 2.500 gram (tình trạng đông đá được bảo quản trong tủ lạnh). Tất cả các mẫu này được gửi tới Viện Hải Dương học Nha Trang nhằm định danh loài cá và định lượng độc tố ciguatera trên mẫu thử.
Ảnh minh họa
Kết quả phân tích của Viện Hải Dương học Nha Trang cho thấy: Mẫu cá hồng cắt lát có độc tính là 6,25MU/100g, mẫu cá hồng nguyên con có độc tính là 3,25MU/100g. Cả 2 mẫu đều chứa chất ciguatera, vượt ngưỡng an toàn sử dụng theo phương pháp thử nghiệm sinh học trên chuột.
Cá hồng là loại thủy sản ăn tảo, chỉ có những loại cá hồng ăn phải một số loài tảo có chứa độc tố sinh sống ở các rạn san hô ven bờ biển, các vùng nước ấm, khi cá ăn tảo có độc, cá có thể tích tụ độc tố trong cơ thể và có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng. Ngộ độc ciguatera từ cá là một loại ngộ độc do ăn phải cá biển đã tích tụ độc tố ciguatoxins trong chế độ ăn của chúng.
Khi ăn cá hồng có độc chất, việc ngộ độc ciguatera bắt đầu từ 2 giờ đến 30 giờ sau khi ăn phải cá độc. Người bị ngộ độc có các triệu chứng như tê liệt kèm theo ngứa lưỡi, môi và cổ họng; có cảm giác khó chịu và buồn nôn, đôi khi dẫn đến nôn mửa, rối loạn cảm giác, tê và ngứa ran ở các chi, mạch đập loạn, giảm huyết áp, chậm nhịp tim, đau khớp và cơ, nhức đầu, chóng mặt, run và đổ mồ hôi nhiều.
Sau khi sử dụng cá hồng, hải sản nói riêng và thực phẩm nói chung, nếu gặp các hiện tượng nêu trên thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Trước đó, tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá hồng được đánh bắt tại vùng biển Lagi Bình Thuận, làm 23 người nhập viện với các triệu chứng: Mệt, khó chịu, đau bụng; buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mạch loạn nhịp, chậm nhịp tim.
Hà An