Bãi rác Đông Thạnh đã thay “áo” mới

Mai Nhi (T/h)|07/05/2018 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước đây, bãi rác Đông Thạnh là bãi chôn lấp rác ô nhiễm nghiêm trọng tại TP. HCM. Công suất chôn lấp hơn 10 triệu tấn rác/năm. Hiện tại, sau 16 năm cải tạo, nơi đây đã trở thành một vườn cây ăn trái xanh mướt có giá trị kinh tế cao.

Bãi rác Đông Thạnh đã trở thành một vườn cây có giá trị kinh tế cao

Được biết, năm 2003, bãi rác Đông Thạnh bị ô nhiễm nặng, TP. HCM quyết định giao bãi rác Đông Thạnh cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM quản lý. Ngay sau khi tiếp quản, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo đó, Công ty đưa ra giải pháp trồng cây xanh để cải tạo môi trường, cảnh quan, rồi dần hình thành nên các vườn cây ăn quả, vườn mai, vườn lan và vườn cây lấy lá. Đến nay, sau 16 năm cải tạo, diện tích công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh khoảng 44ha gần như được phủ xanh hoàn toàn.

Bãi rác Đông Thạnh giờ không còn hình ảnh của rác rưởi và mùi hôi thối nữa, thay vào đó là các vườn ổi giống Đồng Nai, Tiền Giang với hơn 1.000 gốc, các vườn mai giống Thủ Đức với hơn 2.000 cây, các loại lan cắt cành và lan chậu, các vườn cây cắt lá cung cấp cho các cửa hàng hoa với nhiều loại khác nhau. Ổi được trồng trên các luống đất, được tỉa cành, thực hiện bao trái đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cây mai được trồng trong chậu có trấu, mùn cưa trộn với phân bón, cung cấp cho các đơn vị của công ty, ngoài ra bán hoặc cho thuê trong dịp Tết nguyên đán hằng năm.

Giá trị kinh tế mà vườn cây Đông Thạnh mang lại là 300 triệu đồng mỗi năm

Chia sẻ về vườn cây, ông Đoàn Khắc Hùng, Đội trưởng Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM), cho biết: Hiệu quả của các vườn cây trong khu vực mang lại là cải tạo môi trường, giúp cho toàn công trường không mùi, không bụi, tạo cảnh quan và mang lại nguồn kinh tế. Giá trị kinh tế các vườn cây mang lại mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, chủ yếu để trả tiền đầu tư chăm sóc cây và chi phí nhân công.

Mai Nhi (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bãi rác Đông Thạnh đã thay “áo” mới