Theo báo cáo của WWF cách đây vài năm, ít nhất 1.000 con rùa bị buôn lậu từ miền nam Madagascar mỗi tuần. Mới đây, chính quyền Thái Lan tuyên bố họ đã bắt giữ hơn 200 con rùa bị buôn lậu đến Bangkok từ Antannanarivo, thành phố miền trung Madagascar từ tay những kẻ săn trộm.
>>>Chất thải nhựa ô nhiễm nhất hành tinh là đầu lọc thuốc lá.
>>> Động đất ập xuống Indonesia và Nhật Bản cùng 1 ngày
Nhân viên Tổ chức bảo tồn đời sống hoang dã Durell đang chăm sóc rùa biển con trước khi trả chúng về biển.
Săn trộm rùa biển quý hiếm ở Costa Rica
Bãi biển dài 35km Tortuguero, Costa Rica, là nơi đẻ trứng của loài rùa biển xanh lớn nhất có tên khoa học là Chelonia mydas ở khu vực Bán cầu Tây. Tortuguero cũng là địa điểm thực hiện các chương trình giám sát rùa biển kéo dài nhất trong lịch sử, bắt đầu từ năm 1955. Ví dụ, Chương trình Rùa Xanh năm 1997 (1997 GTP) do Tập đoàn Bảo tồn Caribbean (CCC) tổ chức, kéo dài từ 1-7 đến 20-9 trong năm. Tổng cộng, chương trình đã gắn thẻ giám sát cho 2.111 con rùa xanh, bao gồm 8 con đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và 5 con rùa lưng da (Sermochelys coriacea).
Ngoài những cuộc nghiên cứu tại chỗ, chương trình còn tổ chức những hoạt động cảnh báo và giáo dục người dân địa phương cũng như du khách về môi trường cũng như một số dự án bảo tồn môi trường. Phản ứng của cộng đồng địa phương trước các hoạt động của 1997 GTP được đánh giá là rất tích cực.
Trong cuộc điều tra của 1997 GTP, người ta phát hiện nạn săn trộm rùa biển diễn ra khắp nơi ở bãi biển Tortuguero – có ít nhất 1.500 đến 2.000 con rùa xanh bị gom bắt bất hợp pháp vào năm 1997. Sau đó, bọn săn trộm chuyển những con rùa lên tàu và chở đến Limon, nơi chúng bị giết mổ cùng với những con rùa bất hợp pháp khác.
Bọn săn trộm thường bắt rùa khi chúng mới bò lên khỏi mặt nước vì như thế sẽ lợi đôi bề. Thứ nhất, công sức kéo rùa lên tàu trở nên nhẹ nhàng hơn và thứ hai là dấu vết đường di chuyển của rùa ngắn sẽ mau chóng được thủy triều xóa sạch do đó các nhà sinh vật khó phát hiện được. Cũng vì lý do này mà số liệu thống kê về dân số rùa biển không chính xác.
Tortuguero là công viên quốc gia cho nên hành vi gom bắt rùa biển xanh tại bãi biển được coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, công tác bảo tồn rùa biển gặp rất nhiều khó khăn do Cơ quan quản lý công viên quốc gia Tortuguero (ACTo) thiếu trầm trọng nhân lực và kể cả những trang thiết bị cần thiết để bảo vệ luật pháp.
Nhằm giảm thiểu nạn săn trộm, mới đây CCC và ACTo đã ký kết một thỏa thuận hợp tác mà theo đó CCC có trách nhiệm tài trợ cùng với tổ chức bổ sung người bảo vệ tuần tra dọc bãi biển Tortuguero trong suốt mùa rùa biển đẻ trứng. Tầm quan trọng quốc tế của đàn rùa biển ở Tortuguero từng được thừa nhận trong “Hội thảo khu vực về bảo tồn rùa biển ở Trung Mỹ” tổ chức ở Tortuguero.
Trong cuộc hội thảo, Tortuguero được xác nhận là bãi biển làm tổ của rùa biển quan trọng nhất ở Costa Rica và nạn săn trộm rùa cũng như trứng rùa được đánh giá là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho loài rùa xanh quý hiếm ở quốc gia này. Những người tham gia cuộc hội thảo (đại diện của 7 quốc gia Trung Mỹ) cũng thông qua một nghị quyết lên án hành vi săn trộm rùa biển từ bãi biển đồng thời đề nghị chính quyền Costa Rica cần tăng cường hơn nữa các biện pháp để giải quyết vấn đề.
Một chương trình gọi là Dự án phục hồi rùa biển (STRP) cũng cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức đối tác ở Costa Rica cũng gọi là Chương trình phục hồi rùa biển (PRETOMA). Beth Adubato, nữ chuyên gia tội phạm học ở Viện Công nghệ New York (NYIC), đặc biệt quan tâm đến loại tội phạm trong lĩnh vực đời sống hoang dã và mới đây đã hoàn thành một nghiên cứu về săn trộm trứng rùa biển ở bán đảo Osa, khu vực thưa dân với các bãi biển nguyên thủy ở phía nam Costa Rica.
Mới đây, Beth Adubato trình bày nghiên cứu của bà tại hội nghị về tội phạm đời sống hoang dã và săn trộm tổ chức ở Đại học Rutgers ở Newark, New York. Theo báo cáo của Adubato, người Panama thường đến Osa để trộm trứng rùa và chất lên xe tải chở đi một cách công khai mà không hề có sự chặn bắt nào. Adubato cho biết, trứng rùa biển được dân gian coi là loài thuốc quý kích thích tình dục mặc dù không hề có bằng chứng khoa học cho niềm tin này và được bán trong các quán bar ở Panama. Thật ra, trứng rùa không an toàn cho sức khỏe con người, và trong một số trường hợp trứng rùa hàm chứa một lượng kim loại nặng vượt mức an toàn.
Beth Adubato hiện đang hợp tác với các nhóm bảo tồn ở bán đảo Osa, giúp tuyên truyền giáo dục người dân địa phương không săn trộm trứng rùa để bảo tồn giống loài đặc hữu. Adubato cũng bày tỏ mối lo ngại về tương lai loài rùa biển xanh bởi vì một số dân địa phương coi trứng rùa là nguồn thu nhập chính của họ mà không hề nhận thức rằng săn trộm trứng là vấn đề nghiêm trọng.
Sau khi để lại một lượng trứng khổng lồ trên bãi biển, chỉ có một phần nhỏ trứng sống sót đến lúc trưởng thành và dân số rùa cũng không thể phát triển nhanh chóng khi rùa phải mất nhiều năm để đủ lớn mà sinh sản. 4 loài rùa đặc hữu để trứng lại trên bãi biển là rùa lưng da, đồi mồi, rùa Olive Ridley và rùa biển xanh. Rùa Olive Ridley trưởng thành có thể nặng đến 45kg, trong khi con mới nở chỉ nặng độ 28g.
Buôn lậu thịt rùa ở Madagascar
Ndranto Razakamamarina, người đứng đầu Hiệp hội các tổ chức bảo tồn tự nhiên (ACG) của Madagascar, nói: “Mọi người đều ăn thịt rùa. Mọi người đều tham gia buôn lậu rùa. Và ngay khi có người bị đưa ra toà xét xử thì có ngay các tổ chức mafia ra tay giải thoát cho chúng”. Nhà bảo tồn tự nhiên Tsilavo Rafeliarisoa cho biết hai tên săn trộm rùa bị bắt giữ trong năm ngoái ở miền Nam Madagascar cùng với tang vật chưa kịp mang đi tiêu thụ là 50 con rùa. Nhưng đây chỉ là thành công không đáng kể trong nỗ lực bảo vệ quần thể rùa đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Rafeliarisoa giải thích: “Khi một băng săn trộm rùa trang bị súng ống và dùi cui xuất hiện bắt rùa, dân làng không có khả năng tự vệ”. Ông còn cho biết thêm, khi giá cả thực phẩm tăng cao mọi người đều chuyển sang ăn thịt rùa. Thịt rùa là món snack rất được ưa chuộng ở một số địa phương ở miền Nam Madagascar như là Tsiombe và Beloka. Thậm chí quan chức chính quyền cũng thích thưởng thức thịt rùa mà lẽ ra họ phải là những người đi đầu trong mọi chiến dịch bảo vệ loài bò sát đang có nguy cơ tuyệt chủng này.
Rafeliarisoa tiết lộ: “Họ nói: “Mang ra cho tôi món đặc biệt” – và dĩ nhiên món đặc biệt đó chính là thịt rùa”. Herilala Randriamahazo, chuyên gia Hiệp hội vì sự sinh tồn của loài rùa (TSA) của Madagascar, kể lại chuyến đi nghiên cứu mới đây của ông đến Tsiombe và Beloka trong vai du khách và chứng kiến thịt rùa ở hai địa phương này phổ biến đến mức trở thành món “đặc sản” trong mọi nhà hàng. Randriamahazo cho biết một tô thịt rùa hầm với cà chua, tỏi và củ hành được bán với giá chỉ 2,50 USD!
Món được nấu mang ra cho Randriamahazo trong vòng chưa đầy 30 phút, song ông trả lại cho bồi bàn mà không ăn vì tôn trọng loài rùa. Randriahamazo nói trên mọi đường phố ở Tsiombe và Beloka đầy rẫy mai rùa vứt bừa bãi – một dấu hiệu cho thấy rùa đang bị tàn sát lan tràn để phục thú ẩm thực độc ác của con người. Tuy nhiên, trước đây rùa được một số cộng đồng ở Madagascar bảo vệ coi là vật thiêng. “Họ tôn trọng rùa. Thậm chí không dám sờ tay vào chúng”, Randriamahazo nói.
Hiện nay, nếu rùa không bị giết chết trong các nhà hàng, thì chúng cũng nằm gọn trong vali của bọn buôn lậu rùa. Đảo quốc Madagascar nổi tiếng là miền đất có hệ sinh thái cực kỳ phong phú và chính điều đó đã thu hút mạnh bọn buôn lậu từ mọi nơi đổ về săn lùng vốn quý của tự nhiên – từ gỗ hồng sắc cho đến khoáng sản, rùa và loài vượn cáo. Nhiều hệ thực vật và hệ động vật của Madagascar được đánh giá là duy nhất trên thế giới, trong đó có loài vượn cáo nổi tiếng.
Do đó mà Madagascar thu hút được lượng du khách hàng trăm ngàn người đổ về đất nước này mỗi năm. Một hiệp hội bao gồm 27 tổ chức quốc gia bảo tồn tự nhiên mới đây đã lên tiếng tố cáo chính quyền Madagascar tiếp tay cho hoạt động buôn lậu khi không ra tay trừng trị bọn người “cướp bóc và cưỡng đoạt” tài nguyên thiên nhiên.
Một báo cáo của Quỹ thế giới bảo tồn tài nguyên thiên nhiên hoang dã (WWF) vào đầu tháng 6 năm nay tuyên bố hơn 600 loài mới được khám phá ở “Đảo Kho báu” (Madagascar) trong 10 năm qua, song hiện thời nhiều loài đã bị tận diệt. Hasina Randriamanampisoa, chuyên gia Tổ chức bảo tồn đời sống hoang dã Durell, nói bọn buôn lậu có tổ chức rất chặt chẽ, bán rùa trên thị trường chợ đen ở nhiều quốc gia châu Á như Thái lan.
Một số quốc gia phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng coi rùa Madagascar là vật nuôi kiểng, sẵn sàng trả 10.000 USD chỉ để mua một con rùa Madagascar làm vật nuôi kiểng. Còn nếu muốn mua một con rùa để làm thịt ăn thì chỉ trả 10 đôla. Y khoa cổ truyền châu Á mua mai rùa con để làm thuốc giúp tăng cường sinh lực nam giới. Theo giới chuyên gia bảo tồn tự nhiên, trong năm 2010, nhân viên hải quan sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, đã bắt giữ hai phụ nữ Madagascar nhồi nhét 400 rùa con Madagascar trong vali để bay đến nước này, sau đó chuyển đến những cửa hiệu bán thú nuôi cảnh hay có thể vào nhà bếp của nhà hàng.
Richard Thomas, chuyên gia của Traffic International, một tổ chức rất nỗ lực trong việc ngăn chặn buôn lậu động vật ngoại lai, cho biết hai loài rùa Radiated và Ploughshare có mặt trong số 400 con rùa bị bắt giữ này được coi là cực kỳ quý hiếm trên thế giới. Bọn chúng cũng buôn lậu rùa lớn để nuôi gây giống ở nhiều nước châu Á. Randriamanampisoa dự đoán số lượng rùa Madagascar đang nhanh chóng sụt giảm và có nguy cơ tuyệt diệt trong thập niên tới. Ông nói: “Cho dù có chặn đứng được nạn săn trộm hiện nay, thì – do môi trường sống quá rộng lớn – rùa cái cũng có ít cơ hội gặp được rùa đực để sinh con”.
Theo Randriamanampisoa, hiện có 4 loài rùa đặc hữu ở Madagascar, thế nên nếu chúng biến mất thì có lẽ chúng ta chỉ có thể nhìn ngắm chúng trong vườn thú hoặc qua sách vở nữa mà thôi! Theo tiết lộ của báo chí, TSA cùng với Hội Orianne và nhóm Nautilus Ecology vừa qua tuyên bố giống rùa Radiated (Astrochelys radiata) có thể biến mất hoàn toàn rất nhanh nếu không được bảo vệ. Loài rùa này chỉ có thể tìm thấy ở khu vực miền nam Madagascar.
Tại khu vực này ngày trước rùa được bảo vệ vì là vật thiêng ngăn không cho dân địa phương làm thịt chúng, song bây giờ điều đó đã thay đổi. Tiến sĩ Christina Castellano, Giám đốc bộ phận bảo vệ rùa ở Hội Orianne, nhận xét: “Một sự thay đổi lớn đã xảy ra ở Madagasca. Theo truyền thống, thịt rùa chỉ xuất hiện trong một số sự kiện đặc biệt, nhưng bây giờ người ta ăn thịt rùa hàng ngày. Hàng trăm mai rùa vỡ bị vứt bừa bãi khắp nơi trong một số cộng đồng ở Madagascar. Điều đó chứng minh mức độ tiêu thụ thịt rùa cao đến thế nào”.
Theo CAND