(Moitruong.net.vn) – Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra trên 30 vụ sạt lở sông, rạch. Theo nhận định của ngành chức năng, hàng loạt điểm có nguy cơ sạt lở cao xuất hiện ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 3.000 hộ dân đang sống ven sông.
Tuyến dân cửa ven cửa biển Gành Hào (huyện Đầm Dơi) luôn chịu ảnh hưởng nặng nề từ sạt lở
Thông tin trên TTXVN, ông Lê Văn Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn nhận định: “So với trước, những năm gần đây các vụ sạt lở diễn ở mức độ ngày càng cao. Nguyên nhân là do sự thay đổi dòng chảy bên cạnh sự tác động của thời tiết mưa to gió lớn. Thêm vào đó, số hộ xây nhà ven sông ngày càng nhiều, các ngôi nhà được gia công cốt thép nên rất nặng, dễ xảy ra sạt lở khi mưa xuống”. Huyện Đầm Dơi, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện Đầm Dơi xảy ra 11 vụ thiên tai, trong đó có đến 10 vụ sạt lở đất ven sông.
Theo các chuyên gia, sạt lở xuất hiện không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà còn do sự khai thác nguồn tài nguyên không theo quy hoạch đã khiến sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp. Cà Mau là vùng trọng điểm xảy ra sạt lở bởi đây là địa phương duy nhất cả nước có bờ biển trải dài từ phía Đông sang Tây, nhiều con sông lớn thông ra biển. Sạt lở ở Cà Mau hiện nay xảy ra không theo quy luật “bên lở, bên bồi” theo thủy triều hay theo mùa mà diễn ra quanh năm, tại hầu khắp các vùng ven biển, cửa sông…
Cần giải pháp hiệu quả chống sạt lở
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài 22.667 m với tổng mức đầu tư hơn 640 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài 6.687 m. Thế nhưng, đa phần đây là những công trình mang tính tình thế ở những nơi đặc biệt xung yếu. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi nguồn lực của địa phương không đảm bảo, trong khi đó nguồn đầu tư từ Trung ương lại “nhỏ giọt”, phân kỳ qua từng năm.
Để khắc phục sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện tỉnh cần được hỗ trợ đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án xây dựng kè tạo bãi, trồng rừng phòng chống sạt lở bờ biển… Trước mắt, tỉnh Cà Mau cần được hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng để xây dựng hơn 10.000 m tại các đoạn bờ biển đang sạt lở nhanh.
Bênh cạnh đó, với yêu cầu cần di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân vùng ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vùng ven sông, ven biển, Cà Mau đã kiến nghị từ nay đến năm 2020, Trung ương cần đầu tư cho địa phương khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời vào sinh sống ở các cụm, tuyến dân cư mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, hiệu quả của việc di dời dân vào các tuyến dân cư đã qua chưa mang tính toàn diện. Di dời dân vào đã khó, khó hơn là phải đảm bảo sinh kế sau di dời, tránh tình trạng người dân trở lại ven rừng, biển.
Các ban ngành, đoàn thể ở tỉnh Cà Mau tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vùng sạt lở di dời vào nơi an toàn tuyệt đối. Cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao để kịp thời có giải pháp di dời người dân ở những điểm có nguy cơ cao sạt lở vào nơi an toàn; thống kê lại số hộ đang sinh sống ven sông, phân loại để cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ trong sắp xếp và ổn định dân cư.
Huỳnh Anh