Những ngày qua, tại khu vực ven cửa biển Hố Gùi, thuộc xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng do gió lớn kết hợp thủy triều dâng cao.
Tỉnh Cà Mau hiện có 27 vị trí xung yếu đất ven sông bị sạt lở với chiều dài lên tới 40km, tập trung ở ba huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển.
Thông tin trên báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, H.Năm Căn (Cà Mau), cho biết liên tục những ngày qua sóng to, gió lớn kết hợp triều cường dâng cao đã làm sạt lở khu vực ven cửa biển Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, với chiều dài hơn 1 km, có đoạn sạt lở sâu vào đất liền trên 100 m.
Trong đó có khoảng 50 m là rừng phòng hộ xung yếu bị sóng đánh gần như mất trắng. Sạt lở làm ảnh hưởng trên 314 ha đất vuông tôm, nhiều khu rừng phòng hộ rất xung yếu bị mất trắng cây rừng.
Nhiều đoạn ven biển, rừng bị sóng “ăn” trắng – Ảnh: Gia Bách
Còn theo ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cửa biển Hố Gùi thuộc tuyến rừng phòng hộ ven biển Đông của tỉnh Cà Mau. Những năm qua do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây, bình quân mỗi năm sạt lở từ 20 – 25m ở bờ biển Tây, ở biển Đông thì từ 45 – 50m. Cà Mau với đường bờ biển dài khoảng 254km, đã có hơn 150km thường xuyên xảy ra sạt lở. Tình trạng sạt lở xảy ra với mức độ rất nguy hiểm và mang tính chất thường xuyên, có một số đoạn lở khá mạnh, sạt lở vào sát chân của tuyến đê biển.
Ông Lê Chí Hẳng (ấp Kinh Ba, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) nói: “Những năm qua, tôi luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Đêm ngủ không yên giấc, phải đi ra đi vào canh chừng sạt lở”.
Phạm Huyền