Theo đó, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở. Cụ thể, bờ biển có 10 công trình, bờ sông có 30 công trình, giảm thiểu xói lở có 36 công trình, đê biển có 5 công trình và đê sông có 96 công trình.
Tỉnh Cà Mau hiện có tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở là khoảng 91km, với các mức độ khác nhau. Đơn cử, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22km, bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,15km và sạt lở nguy hiểm 40,3km.
Riêng bờ biển Đông cho đến nay, tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư, tốc độ sạt lở bờ biển nơi đây từ 45m đến 50m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 80m đến 100m/năm.
Dự báo trong vài năm tiếp theo nếu không có giải pháp bảo vệ thì sạt lở sẽ tiến sâu vào đất liền và uy hiếp đến hạ tầng bên trong. Các đoạn bờ biển đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm có tốc độ sạt lở bình quân 45m đến 50m/năm, nên cần có các giải pháp công trình bảo vệ phòng chống sạt lở bờ biển Đông, với tổng chiều dài 69,45km.
Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ. Bởi, đây là diện tích đất, cây rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm.
Đáng quan tâm là sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền không chỉ làm mất thêm đất, rừng mà còn uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong.Do vậy, địa phương buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp.
Trong khi đó, đối với các đoạn bờ sông nơi cửa biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cũng rất cần chủ động khắc phục, thực hiện công tác di dời để giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.