Cân nhắc lợi, hại từ việc chuyển đổi 91ha rừng làm thủy lợi ở Gia Lai

27/11/2017 10:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước kiến nghị xin chuyển đổi 91ha rừng để làm công trình thủy lợi, UBND tỉnh Gia Lai đã cân nhắc các yếu tố lợi, hại kĩ càng.

Hồ chứa nước Công trình thủy lợi Ia Mơr giai đoạn 1

Mới đây, tỉnh Gia Lai có văn bản kiến nghị Thủ tướng “xin chuyển đổi 91 ha rừng” để làm tuyến kênh mương công trình thủy lợi Ia Mơr, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Động thái trên của UBND tỉnh Gia Lai được dư luận cho là “phá rào”, nhưng xét trên nhiều khía cạnh thì đó lại là quyết định được nhiều người dân tán thành.

UBND tỉnh Gia Lai đã gửi Công văn số 4078/UBND-NL ngày 24/10/2017 đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc chuyển đổi rừng tự nhiên dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr giai đoạn 2 hoàn thành hệ thống kênh.

Công trình thủy lợi Ia Mơr (H.Chư Prông) được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai từ năm 2005, với vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, có nhiệm vụ tưới, cấp nước cho trên 14.300 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân trong vùng biên giới thuộc H.Chư Prông, kết hợp giảm lũ, phát điện.

Việc đầu tư hệ thống kênh sẽ phát huy hiệu quả của toàn bộ dự án, cung cấp nước tưới cho 12.500 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp, đưa khu vực Ia Mơr và Ia Lốp từ vùng đất hoang hóa chủ yếu là cây rừng khộp thành vựa lúa, hoa màu trong khu vực, nâng cao thu nhập và mức sống cho nhân dân trong vùng.

Trong điều kiện hiện nay Ia Mơr là xã nghèo của huyện Chư Prông, công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để ổn định đời sống dân cư, ngăn chặn du canh, góp phần ổn định chính trị vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động trong vùng dự án, hạn chế ảnh hưởng lũ lụt của mùa mưa, tăng lưu lượng dòng chảy trong mùa khô. Được biết, tổng thể dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua từ cách đây gần 20 năm.

Xét trên nhiều khía cạnh, kiến nghị của tỉnh Gia Lai có phần “mạo hiểm”, nhưng lại hợp lí và thích đáng. Về thực tế, hiện trạng rừng trong văn bản số 4078/UBND-NL do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên kí, nêu 91 hécta xin chuyển đổi tại 10 tiểu khu thuộc rừng nghèo sản xuất, trong đó, có 27 hécta rừng do UBND xã Ia Mơr quản lý (tại các tiểu khu 990, 1000, 1011 và 1002) còn 64 hécta thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr tại các tiểu khu (989, 991, 997, 1001, 1003 và 1006).

Về mặt chủ trương, UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, việc đầu tư hệ thống kênh sẽ phát huy năng lực của dự án, cấp nước cho 12,500 hécta lúa, hoa màu, cải tạo vùng đất hoang hóa, nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân, ổn định đời sống người dân vùng phên dậu.

H.Thu (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cân nhắc lợi, hại từ việc chuyển đổi 91ha rừng làm thủy lợi ở Gia Lai