Tham dự buổi làm việc, về phía Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Ban Thư ký Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; cùng các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc dành cho hoạt động chất vấn, từ ngày 06/11 đến hết sáng ngày 08/11. Theo quy định của pháp luật, tại kỳ họp này (kỳ họp giữa nhiệm kỳ), việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan đến việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo về kết quả thực hiện các nội dung liên quan tại các Nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra các báo cáo này.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trước đây việc chất vấn lại các nội dung đã chất vấn đã được tiến hành tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ liên quan đến 10 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Với nội dung, phạm vi chất vấn tại kỳ họp lần này rộng, không theo nhóm vấn đề, tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về cách thức tổ chức chất vấn, việc bố trí thời gian và những vấn đề cần lưu ý thêm để bảo đảm cho phiên chất vấn diễn ra thành công, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Thảo luận tại buổi làm việc, các ý kiến đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới, chỉ đạo các cơ quan có sự chuẩn bị từ sớm cho việc tổ chức phiên chất vấn, nghiên cứu cách thức tổ chức phiên chất vấn bảo đảm hợp lý, linh động trong bố trí thời gian. Các đại biểu cũng nhất trí với gợi mở của Chủ tịch Quốc hội về cách thức tổ chức phiên chất vấn để vừa tạo thuận lợi cho người hỏi và người trả lời, tạo sự chủ động, đồng thời đi sâu và có sự liền mạch trong các vấn đề, lĩnh vực.
Theo đó, dù nội dung chất vấn không theo nhóm vấn đề nổi lên nhưng có sự phân chia một cách khoa học các lĩnh vực gồm: nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội và nhóm lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tư pháp, kiểm toán.
Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát để có gợi ý những vấn đề đáng chú ý trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn để đúng với tinh chất của lần chất vấn này là chất vấn giữa nhiệm kỳ theo quy định của luật định. Các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã khẳng định sẽ sẵn sàng trả lời thẳng thắn, trách nhiệm các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc làm việc rà soát các công việc chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Đồng thời nhấn mạnh đây là việc làm cần thiết để qua đó trao đổi và có được cách thức tổ chức hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn và rộng hơn là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Cho biết, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, các phiên chất vấn đều diễn ra sôi động, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân cả nước; với tinh thần xây dựng, tiếp tục phát huy những điểm tích cực trong tổ chức chất vấn thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu của chất vấn để khẳng định những nội dung đã làm được, chỉ ra những điểm chưa làm được, bài học kinh nghiệm và làm sao để làm tốt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh là: Qua chất vấn phải cùng nhau tìm ra được giải pháp tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát sự lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, để cùng nhau đưa đất nước phát triển.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 sẽ chất vấn tổng thể chung nhưng để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo nhóm các lĩnh vực gồm: nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng nhà nước…); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, xây dựng…); nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán nhà nước. Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện kế hoạch, chương trình phiên chất vấn. Lưu ý rằng chất vấn lần này là hậu giám sát, giám sát lại những vấn đề đã giám sát, đã chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tiếp tục rà soát, tổng hợp kỹ lưỡng các nội dung đánh giá, các vấn đề trọng tâm nổi lên qua việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề để báo cáo Quốc hội.
Dự kiến, trong phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội sẽ có phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ có báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.