Còn tình trạng chủ quan trong ứng phó với thiên tai

Theo TTXVN|04/08/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

(Moitruong.net.vn) – Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và triển khai công tác trong thời gian tới.

phó thủ tướng trịnh đình dũngPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Theo tổng hợp của Ủy ban Quốc gia, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 4.576 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), tăng 279 vụ so với cùng kỳ năm trước, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thiên tai, sự cố đã làm chết 736 người, tăng so với năm trước 68 người (10%); làm mất tích 194 người, giảm 24 người (giảm 11%), bị thương 755 người, giảm 28 người (4%). Về tài sản, đã làm chìm 267 phương tiện; cháy, hỏng 270 phương tiện; cháy 2.688 nhà, xưởng; sập đổ 1.272 nhà dân; tốc mái hư hỏng, ngập 349.966 nhà; cháy khoảng 3.374 ha rừng và thảm thực vật, hư hại 329.441 ha hoa màu.

Theo báo cáo, tính từ đầu năm 2017 đến hết ngày 30/7/2017 toàn quốc xảy ra 1.768 vụ, thiên tai, tai nạn, sự cố, giảm 203 vụ so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên số người chết lại lên tới 511 người, tăng 42 người so với cùng kỳ năm 2016; số mất tích là 145 người, tăng 45 người so với cùng kỳ năm 2016…

Đặc biệt, sáng 3/8 vừa qua, trận lũ quét kinh hoàng đã gây thiệt hại lớn về người cho hai tỉnh Yên Bái, Sơn La. Hiện tại, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang rất nỗ lực để tìm kiếm, cứu chữa các nạn nhân.

Trước tình hình này, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, chủ động ứng phó tốt hơn với những diễn biến khó lường của thời tiết, cũng như giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu những nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, trong việc hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho Nhân dân và Nhà nước. Công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn đã được các lực lượng triển khai kịp thời, có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang rất nỗ lực, chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau trận lũ quét lịch sử sáng 3/8.

Bên cạnh những ưu điểm và kết quả nổi bật, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác tìm kiếm cứu nạn trên cả nước vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc ứng phó với thiên tai, sự cố. Nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động khi gặp tình huống khẩn cấp; việc rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, di dời người dân… còn chủ quan. Người dân cũng chủ quan, do đó khi tình huống xảy ra, gặp rất nhiều khó khăn trong khắc phục.

Công tác tuyên truyền về ứng phó thiên tai, sự cố tuy đã được quan tâm, chú trọng hơn trong thời gian qua, song nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa thật đầy đủ, vẫn còn tư tưởng chủ quan, đơn giản, nhất là trong việc sơ tán khi có bão lũ.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc chủ quan, lơi là của người dân chính là từ sự chủ quan của cán bộ, chính quyền các cơ quan chức năng. Người dân nắm chưa vững, còn chủ quan, chính là trách nhiệm của cán bộ, các tổ chức, các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền về ứng phó thiên tai, sự cố.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, mưa lũ, nguy cơ cháy rừng… còn nhiều hạn chế.

“Chỉ cần dự báo, cảnh báo sớm được vài phút cũng sẽ góp phần quan trọng giảm thiệt hại, tạo thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn,” Phó Thủ tướng nói.

Một hạn chế nữa trong công tác tìm kiếm cứu nạn thời gian qua là việc duy trì chế độ ứng trực, theo dõi nắm tình hình vụ việc và thực hiện chế độ báo cáo theo phân cấp của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp cơ sở có vụ việc chưa kịp thời; công tác phối hợp hiệp đồng với cấp ủy chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, điển hình như việc xả lũ sai quy trình, không thông báo sớm với người dân như vừa qua.

Cùng với đó, vẫn còn tình trạng cung cấp và báo cáo thông tin cứu nạn chậm, chưa chính xác; tình trạng báo nạn giả còn nhiều, gây khó khăn, tốn kém trong tìm kiếm cứu nạn. Theo thống kê, trong năm 2016 có 499 vụ báo nạn, trong đó có 119 vụ báo nạn giả. Trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, nhất là các trang bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn biển xa và ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn sự cố công trình ngầm, thiết bị chữa cháy…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành giao thông trong việc kiểm soát phương tiện giao thông còn hạn chế, xử lý các vi phạm chưa nghiêm. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn ngày càng nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cấp chính quyền và người dân “phải luôn tuyệt đối không được chủ quan, luôn nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên từng địa bàn, từ đó chủ động kịp thời với mọi tình huống. Khi xảy ra sự cố, thiên tai cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, báo cáo kịp thời tham mư­u đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống”.

Theo TTXVN 

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Còn tình trạng chủ quan trong ứng phó với thiên tai
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.