(Moitruong.net.vn) – Các trầm tích đệ tứ vùng đồng bằng Bắc Bộ được phân chia thành 2 tầng chứa nước chính. Theo thứ tự từ trên xuống, tầng chứa nước Holocene nằm ở phía trên và tầng Pleistocene nằm ở phía dưới. Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia công bố kết quả quan trắc Tài nguyên nước dưới đất quý I vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Ảnh minh họa
Tầng chứa nước Holocene (qh)
Diễn biến mực nước dưới đất quý I năm 2018: nhìn chung mực nước có xu thế dâng chiếm ưu thế so với quý I năm 2017 với 19/40 công trình có mực nước dâng, 16/40 công trình có mực nước hạ và 5/40 công trình có mực nước dâng hạ không đáng kể.
Mực nước trung bình quý nông nhất là 0,28m tại Xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (Q.108) và sâu nhất là 11,42m tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (Q.67)
Nhìn chung độ mặn của nước mùa mưa năm 2017 tại các công trình quan trắc đều nhỏ hơn 1500mg/l (nước nhạt), một số nơi vượt quá giới hạn cho phép nước bị lợ hoặc mặn. Độ mặn từ 1500 – 3000mg/l (nước lợ) phân bố tại các công trình quan trắc thuộc các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Thái Bình. Độ mặn > 3000mg/l (nước mặn) phân bố tại công trình quan trắc thuộc tỉnh: Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng.
Tầng chứa nước Pleistocene (qp)
Diễn biến mực nước dưới đất quý I năm 2018: nhìn chung mực nước xu thế dâng so với quý I năm 2017 với 33/63 công trình có mực nước dâng, 15/63 công trình có mực nước hạ và 15/63 công trình có mực nước dâng hạ không đáng kể.
Mực nước trung bình quý nông nhất là 0,46m tại phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Q.82a) và sâu nhất là 29,01m tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội (Q.63aM1).
Nhìn chung độ mặn mùa mưa năm 2017 tại đa số các công trình quan trắc nhỏ hơn 1500mg/l (nước nhạt), một số nơi vượt quá giới hạn cho phép nước bị lợ hoặc mặn. Độ mặn từ 1500 – 3000mg/l (nước lợ) phân bố tại các công trình quan trắc thuộc các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam. Độ mặn > 3000mg/l (nước mặn) phân bố tại công trình quan trắc thuộc tỉnh Hải Dương, Thái Bình.
Thiên Bình