Công tác tuyên truyền giáo dục với việc bảo vệ môi trường – thực trạng và giải pháp

08/07/2016 16:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn)

( – Bài viết tập trung làm rõ các vấn đề sau: môi trường, thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường, chương trình hành động, phong trào và các giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường.

Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người. Nếu môi trường sống bị hủy hoại thì loài người có nguy cơ bị hủy diệt. Cuộc sống của con người luôn gắn bó mật thiết với môi trường: Môi trường tạo không gian sinh sống cho con người, là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho sự sống và hoạt động sản xuất của con người, là nơi chứa đựng, hấp thụ và trung hòa các chất thải ra từ quá trình sinh sống và sản xuất của con người. Tuy vậy, quá trình hoạt động của con người đã vi phạm nghiêm trọng các yếu tố cân bằng của tự nhiên một cách liên tục và ngày càng lớn, đã và đang làm cho thế giới ngày càng biến đổi: Đó là sự ô nhiễm của môi trường, sự cạn kiệt của tài nguyên, sự mất đi của rừng, sự biến đổi của khí hậu, sự biến mất hay tuyệt chủng của nhiều loài,…

Thực trạng môi trường ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức con người, do nhận thức không đúng đắn và đầy đủ về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ là vấn đề sống còn đối với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư; là việc phải làm thường xuyên, liên tục và là trách nhiệm của mọi công dân.

Các hình thức của giáo dục môi trường rất đa dạng, phong phú như giáo dục theo cá nhân, theo nhóm, theo cộng đồng; tuyên truyền giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến chính sách, pháp luật về môi trường; thực hiện các dự án môi trường; tiến hành các hoạt động thông qua các tổ chức đoàn thể, giáo dục trong nhà trường,…

Trước yêu cầu và thực trạng nêu trên, trong phạm vi bài viết, tác giả đã đề xuất 5 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục đối với việc bảo vệ môi trường.

DSC_9265

I.    Mục tiêu:

Làm rõ thực trạng môi trường và đề  xuất  giải  pháp  về  công  tác  tuyên truyền giáo dục để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ môi trường

II.  Phương pháp nghiên cứu:

Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là cơ sở phương pháp luận. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng  các  phương  pháp  phổ  biến  như: phân tích, tổng hợp, logic, khảo sát thực tiễn,…

III. Những đề xuất cụ thể:

Một là, cần xác định: huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Hai là, tăng cường sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, đặc biệt là các cơ quan thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Ba là, Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn, tổ chức để nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường, phòng chống suy thoái, ô nhiễm và sự cố môi trường.

Bốn là, lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các phong trào, các cuộc vận động như cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tôn vinh, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình bảo vệ môi trường; đồng thời, phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường

Năm là, đẩy mạnh hơn nữa phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Qua phong trào, nâng cao ý thức trách  nhiệm bảo  vệ  môi  trường;  tuyên truyền, vận động, thuyết phục người xung quanh cùng tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn, xây dựng môi trường xanh – sạch
– đẹp.

IV. Nội dung:

“Môi  trường  có  tầm  quan  trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, dân tộc và nhân loại” [1]. “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”[2]. Nếu môi trường sống bị hủy hoại thì loài người có nguy cơ bị hủy diệt.

Cuộc sống của con người luôn gắn bó mật thiết với môi trường. Môi trường tạo không gian sinh sống cho con người. “Trong hoạt  động  sống  của  mình,  con người cần phải có một không gian sống với đặc trưng về phạm vi và chất lượng đảm bảo ở mức độ nhất định. Môi trường cung cấp cho các loài sinh vật nói chung, con người nói riêng những điều kiện về không gian, năng lượng, thức ăn,…nhằm duy trì sự sống và sự phát triển của các loài” [3]. Sự sống của con người và sinh vật thiên nhiên đòi hỏi không gian sống không chỉ về qui mô phù hợp mà phải đảm bảo về chất lượng. Không gian sống được xem là có chất lượng cao trước hết phải là không gian trong lành, sạch đẹp, sự ô nhiễm ở mức độ cho phép, không gian sống chất lượng còn phải đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố, các bộ phận của môi trường: sự cân bằng sinh thái, hạn chế và loại bỏ những biến động cực đoan ảnh hưởng xấu đến sự sống. Sự gia tăng dân số quá nhanh đã làm cho không gian sống của mỗi người ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh  đó,  việc  đẩy  mạnh sản  xuất công nghiệp, nông nghiệp, quá trình đô thị hóa,…đang tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng giảm sút về chất lượng không gian sinh tồn.

Môi trường là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho sự sống và hoạt động sản xuất của con người bao gồm cả hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của con người. Nguồn tài nguyên đáp ứng cho con người không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Trong quá trình đó, con người khai thác và sử dụng ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào hoạt động sống của mình. Nguồn tài nguyên thiên nhiên trong môi trường rất đa dạng và giàu có nhưng không phải là vô tận. Sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên để phục vụ đời sống và sản xuất đã làm cho tài nguyên đi đến chỗ cạn kiệt.

Môi trường là nơi chứa đựng, hấp thụ và trung hòa các chất thải ra từ quá trình sinh sống và sản xuất của con người. Trong sinh hoạt và sản xuất của cải vật chất, con  người không ngừng thải  vào môi trường các chất thải khác nhau. Đồng thời với quá trình này, môi trường không ngừng phân hủy, hấp thụ và trung hòa các chất thải thông qua quá trình biến đổi lý hóa học, biến đổi sinh hóa và biến đổi sinh học. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số nhanh chóng và tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ đã dẫn đến tình trạng chất thải vào môi trường, nhất là chất thải độc hại vượt quá mức độ cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Như vậy, quá trình hoạt động của con người đã vi phạm nghiêm trọng các yếu tố cân bằng của tự nhiên một cách liên tục và ngày càng lớn, đã và đang làm cho thế giới ngày càng biến đổi: Đó là sự ô nhiễm của môi trường, sự cạn kiệt của tài nguyên, sự mất đi của rừng, sự biến đổi của khí hậu, sự biến mất hay tuyệt chủng của nhiều loài,… Môi trường đất, nước, khí quyển đều bị ô nhiễm nặng, tài nguyên rừng, biển, khoáng sản, các loài động vật, thực vật ngày một cạn kiệt do khai thác bừa bãi, thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường, trái đất có xu hướng nóng dần lên,…

Cũng như nhiều nơi khác, ở Việt Nam, môi trường đã và đang bị ô nhiễm: các nguồn nước bị suy giảm nhanh, thậm chí có nơi bị cạn kiệt, đất đai bị xói mòn, thoái hóa, không khí cả ở đô thị và nông thôn đều bị ô nhiễm nặng, rừng bị tàn phá, chất thải, rác thải không được xử lý đúng qui trình, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng,…

Trong quá trình phát sinh, tồn tại và phát triển của con người, con người phải tiến hành các hoạt động sản xuất để tạo ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu của bản thân. Quá trình này diễn ra liên tục không ngừng và ngày càng mở rộng nhằm đảm bảo cho con người không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Trong quá trình đó, con người khai thác và tạo ra những sản phẩm vật chất từ tự nhiên, đồng thời thải vào tự nhiên những chất thải của quá trình sản xuất và sinh hoạt. Chính việc khai thác và sử dụng không hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hoạt động kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, y tế và sinh hoạt của con người đã tạo ra các yếu tố làm hủy hoại chính môi trường.

1118_embe09cdfjpg

Cũng như hoạt động sản xuất vật chất  và  sinh  hoạt  của  con  người, hoạt động kinh tế công nghiệp là hoạt động gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất (trên 70% chất gây ô nhiễm mà môi trường đang phải hứng chịu từ các hoạt động sinh tồn của con người tạo ra là từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp). Phần lớn lượng khí thải công nghiệp được thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên mà không qua xử lý hoặc xử lý không triệt để, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của các loài sinh vật nói chung, trong đó có con người.

Dân số tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp buộc con người  phải  sử  dụng  các  biện  pháp  kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động. Việc sử dụng rộng rãi, thường xuyên các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, các loại thuốc kích thích, tăng trưởng đã góp phần gây ô nhiễm môi trường. Hậu quả nghiêm trọng và phổ biến về ô nhiễm môi trường  từ  sản  xuất  nông  nghiệp  là  ô nhiễm nguồn nước và đất canh tác.

Như vậy, thực trạng môi trường ô nhiễm  do  nhiều  nguyên nhân:  do  hoạt động sản xuất vật chất và sinh hoạt của con người, từ các hoạt động kinh tế công nghiệp, từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức con người, do nhận thức không đúng đắn và đầy đủ về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ sự cân bằng sinh thái. Việc khai thác phải thực hiện có kế hoạch, có giới hạn nhất định nhằm đảm bảo tài nguyên không bị cạn kiệt, sự cân bằng sinh thái không bị phá hủy, các tài nguyên giữ được khả năng hồi phục để con người có thể khai thác lâu dài. Sử dụng hợp lý tài nguyên chính là việc sử dụng nó theo phương án tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Bảo vệ môi trường là phục hồi các nguồn tài nguyên đã bị cạn kiệt. Đối với những khu vực mà ở đó các nguồn tài nguyên đã bị khai thác cạn kiệt thì việc phục hồi chúng là hết sức cần thiết. Bảo vệ môi trường là phòng chống ô nhiễm và suy thoái môi trường. Việc phòng chống ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, nhưng yếu tố mang tính quyết định là con người phải có những hiểu biết về môi trường, có ý thức bảo vệ môi trường và có biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hoặc xử lý chất thải độc hại, các chất gây ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và sản xuất vật chất. Bảo vệ môi trường là bảo vệ tính đa dạng sinh học và gien di truyền của các loài sinh vật quý hiếm. Bảo vệ sự đa dạng sinh học cũng chính là bảo vệ các điều kiện  sống của  con  người. Bảo vệ  môi trường còn là nghiên cứu việc phòng chống và dự báo những biến cố về thiên nhiên, môi trường. Sự phát triển của khoa học – công nghệ ngày càng cho phép con người có thể dự báo được những sự cố môi trường; vì vậy, con người có thể thực hiện các biện pháp phòng chống để giảm nhẹ thiên tai do sự cố môi trường gây ra. Tóm lại, bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường; bảo đảm cân bằng sinh thái; ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường; khai thác, sử dụng hợp  lý  và  tiết  kiệm  tài  nguyên  thiên nhiên. Bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ là vấn đề sống còn đối với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư; là việc phải làm thường xuyên, liên tục và là trách nhiệm của mọi công dân.

Chiến lược môi trường và các chương trình hành động bảo vệ môi trường của mỗi quốc gia, mỗi địa phương phụ thuộc nhiều vào phương pháp và hiệu quả công tác giáo dục môi trường. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề giáo dục môi trường trở thành một trong những vấn đề cấp bách vì sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của loài người nhanh hơn mức độ tiến hóa của sinh quyển; vì vậy, sự tiến hóa của sinh quyển không thể đương đầu với sự mất cân bằng môi trường gây ra bởi sự tiến bộ kinh tế, văn hóa mà loài người tạo ra; vì các vấn đề môi trường thường là phức tạp và đòi hỏi phải tinh thông, am hiểu các nguyên lý khác nhau

nên phải có sự tiếp cận liên môn của các khoa học để tìm ra giải pháp; ngoài ra, vấn đề giáo dục môi trường trở thành một trong những vấn đề cấp bách vì các vấn đề môi trường trước hết phải được xem xét trong phạm vi từng địa phương, từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu để tạo ra nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi cá nhân trong việc trân trọng, giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Các hình thức của giáo dục môi trường rất đa dạng, phong phú như giáo dục theo cá nhân, theo nhóm, theo cộng đồng; tuyên truyền giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến chính sách, pháp luật về môi trường; thực hiện các dự án môi trường; tiến hành các hoạt động thông qua các tổ chức đoàn thể, giáo dục trong nhà trường,…

Để bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các chương trình hành động, nghiên cứu, thực thi các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng môi trường, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 1991, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chú trọng nhiều đến việc tổ chức, quản lý, đưa công tác bảo vệ môi trường vào cuộc sống, xây dựng hệ thống luật pháp, nâng cao nhận thức của nhân dân, tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; vừa tích cực tham gia các chương trình quốc tế về môi trường, vừa hoạch định và thực hiện các chương trình hành động quốc gia về môi trường. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết và nghị quyết liên tịch về bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị (15/11/2004) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nêu rõ quan điểm: bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa dạng và liên vùng rất cao; vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Trong các giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 41 – NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận, các tổ chức chính trị  – xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đưa vào tiêu chuẩn thi đua”[4].

Để cụ thể hóa nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nêu trong Nghị quyết số 41 – NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Bảo vệ môi trường, năm 2004, Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT – MTTQ – BTNMT về phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015, trong đó nhấn mạnh những công việc cụ thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cụ thể hóa, tiêu chí hóa và phối hợp lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các phong trào, các cuộc vận động.

Trong  thời  gian  qua,  các  phong trào bảo vệ môi trường được phát động rầm rộ và sâu rộng trong cán bộ và nhân dân như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, tổ chức mitting với chủ đề: “Thành phố  xanh: Kế  hoạch cho  hành tinh chúng ta”, “Nhiều loài – một hành tinh – tương lai chúng ta”,…

Để các phong trào phát triển sâu rộng, được toàn dân hưởng ứng, cùng với các hoạt động khác, công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh: Đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường được phổ biến đến các cộng đồng dân cư; tuyên truyền, phản ánh những mô hình, những điển hình tiên tiến; những vấn đề đặt ra về ô nhiễm môi trường và nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các cộng đồng dân cư,…

Qua phong trào, tuy hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định; nhưng công tác bảo vệ môi trường nói chung, hoạt động tuyền truyền của các cơ quan thông tin đại chúng về bảo vệ môi trường nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định như chưa có sự phối hợp kịp thời và chặt chẽ giữa các cơ quan thông tin, báo chí nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Việc vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao kiến thức môi trường qua các chiến dịch như: vận động nhân dân sử dụng nguồn nguyên liệu sạch không gây tác hại về môi trường trong cuộc sống hằng ngày, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng,…chưa thường xuyên, liên tục  và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Công  tác  tuyên  truyền  chưa  trải  rộng, chưa đều khắp và chưa phù hợp với đặc thù của từng địa bàn dân cư (nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào các tôn giáo có những thói quen, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể).

Trước yêu cầu và thực trạng nêu trên, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được đề xuất một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục đối với việc bảo vệ môi trường.

–    Một là, cần xác định: huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường trong điều kiện nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực của vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự xâm hại của môi trường sống ngày càng nghiêm trọng ở các cộng đồng dân cư là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Bảo vệ môi trường không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ mà còn là văn hóa, đạo đức, là tiêu chuẩn đảm bảo cho một xã hội văn minh, phát triển.

–    Hai là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, đặc biệt là các cơ quan thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng thông tin, làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đến với mọi người dân, đến với từng địa bàn dân cư,…qua đó, tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. .

–    Ba là, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn, tổ chức để nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường, phòng chống suy thoái, ô nhiễm và sự cố môi trường: Việc khai thác các nguồn lợi sinh vật phải theo đúng thời vụ, địa bàn, phương pháp, bằng công cụ, phương tiện đã được qui định, bảo đảm cân bằng sinh thái. Việc khai thác rừng phải đúng qui hoạch và các qui định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, phải có kế hoạch trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Việc khai thác đất nông, lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản phải tuân theo qui hoạch sử dụng đất, bảo đảm cân  bằng  sinh  thái.  Trong  sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng phải áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phải có

thiết bị kỹ thuật để xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường,…Nhìn chung, con người phải biết ứng xử với môi trường bằng phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính, tích cực xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo tồn thế giới tự nhiên; tránh thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, tránh những hành vi tiêu cực dẫn đến vi phạm những qui định về bảo vệ môi trường.

–    Bốn là, tiêu chí hóa và phối hợp lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các phong trào, các cuộc vận động như cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm gắn công tác bảo vệ môi trường với phát triển bền vững; góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng  các  mô  hình,  các  gương  điển hình bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, cảnh quan môi trường khu dân cư và giáo dục để người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh khắc phục các tập tục, thói quen xâm hại đến môi trường, tài nguyên; đồng thời, phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường

–     Năm là, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào: “Toàn dân tham gia bảo    vệ    môi    trường”,    “Ngày  môi trường thế giới”,…tạo thành phong trào trên địa bàn có tác dụng tích cực, thường xuyên nhắc nhở người dân ý thức, thói quen bảo vệ môi trường. Trong nhà trường, cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa về giáo dục môi trường, lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên; tổ  chức  các  cuộc  thi  tìm hiểu theo chuyên đề, mời chuyên gia báo cáo, tham quan dã ngoại tìm hiểu về môi trường địa phương; phát động và làm nòng cốt trong các phong trào bảo vệ môi  trường,…qua  phong  trào,  nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, bảo vệ môi trường nơi công cộng, trường lớp, chỗ ở, nơi làm việc; thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động, thuyết phục người xung quanh cùng tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp.

Chú thích

[1]. Luật Bảo vệ môi trường, tr 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. [2]. Luật Bảo vệ môi trường, tr 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994
[3].Vũ Hồng Tiến, Nguyễn Duy Nhiên, tr 53, Những vấn đề của thời đại, Nxb Đại học Sư phạm.

[4].Tạp chí Mặt trận, Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam, tr 15

Nguyễn Thị Diệu Liêng
Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học An Giang

(http://daihocxanh.hoasen.edu.vn)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác tuyên truyền giáo dục với việc bảo vệ môi trường – thực trạng và giải pháp