Cục Đo đạc, bản đồ và Địa lý Việt Nam triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp

Theo Monre|06/10/2017 04:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

5 nhiệm vụ trọng tâm

(Moitruong.net.vn) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã yêu cầu Cục Đo đạc, Bản đồ và Địa lý Việt Nam triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp trong thời gian tới.

5 nhiệm vụ trọng tâm

1.Tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác năm 2017 không để xảy ra tình trạng nợ đọng nhiệm vụ, đề án, văn bản pháp luật. Phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội chuẩn bị tốt dự án Luật đo đạc và bản đồ để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Tiến hành rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, định mức kinh tế – kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với trình độ khoa học và công nghệ, tình hình thực tiễn hiện nay làm cơ sở để quản lý, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu các đề án, dự án, sản phẩm trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ bảo đảm tính thống nhất. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật và các bộ đơn giá đối với sản phẩm đo đạc và bản đồ nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập.

2. Phải tập trung nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản phục vụ cho công tác đo đạc, bản đồ; nâng cao chất lượng, độ chính xác của dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế – xã hội và các dự án đo đạc – bản đồ, khảo sát trên biển. Triển khai hệ thống độ cao để xác định sự chuyển dịch,
sụt lún mặt đất ở các khu vực co nguy cơ sụt lún phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm của Nhà nước. Đề xuất cơ chế huy động các nguồn lực xã hội thông qua việc xã hội hóa hoạt động đo đạc – bản đồ để trên cơ sở đó tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước vào những công
nghệ, hạ tầng thiết yếu làm nền tảng cho hoạt động quản lý nhà nước; hoặc những công nghệ không huy động được nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

3. Xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa hình; dữ liệu địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn; hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ lớn tại một số khu vực kinh tế trọng điểm; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp theo chỉ đạo của Chính phủ. Sớm ban hành quy định về
cập nhật, tích hợp, thu nhận các sản phẩm đo đạc và bản đồ của các ngành, địa phương và khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các ngành, các cấp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh nhất là công tác lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.

4. Tăng cường ứng dụng và làm chủ các công nghệ mới về đo đạc – bản đồ để nâng cao độ chính xác, giá trị thực tiễn của các sản phẩm đo đạc – bản đồ đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh hợp tác chuyển giao về đo đạc – bản đồ với các nước trong khu vực khẳng định được vị trí của ngành trong khu vực; trước mắt phải triển khai tốt các dự án hỗ trợ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước bạn.

5. Hiện nay, trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh đặc biệt là làn sóng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành đo đạc và bản đồ phải có sự thay đổi căn bản. Do đó, Cục cần triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020, trên cơ sở đó điều chỉnh Chiến lược, xác định lại các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện để sớm hiện đại hóa ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới; xây dựng hệ thống hạ tầng không gian đồng bộ dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu quản lý không gian, lãnh thổ và lãnh hải của đất nước.

5 giải pháp thực hiện

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng lãnh đạo, cán bộ, công chức đảm bảo mỗi nhiệm vụ đều có người chịu trách nhiệm chính. Đồng thời có cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát đối với từng nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức, đề bạt, bổ nhiệm và khen thưởng.

2. Tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và hiện đại hóa ngành;

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý điều hành công việc. Đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với tất cả các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học đo đạc và bản đồ và các đơn vị khác có liên quan như: Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Viễn thám quốc gia, Cục Công nghệ thông tin và Dự liệu tài nguyên môi trường, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Nhà xuất bản đo đạc và bản đồ trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao hiệu quả.

5. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành, đặc biệt là trong kiểm định, nghiệm thu các sản phẩm đo đạc và bản đồ. Sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành trong những năm tới.

Theo Monre

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục Đo đạc, bản đồ và Địa lý Việt Nam triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp