Cục trưởng Cục báo chí nói về việc xử lý sai phạm các Tạp chí điện tử

Theo PLO|17/11/2017 05:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bộ TT&TT vừa có các quyết định xử phạt nhiều cơ quan báo chí, trong đó có việc đình bản một số Tạp chí điện tử liên quan đến các sai phạm về tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật. Đây là một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo quyết liệt.

Cục trưởng Cục báo chí nói về việc xử lý sai phạm các Tạp chí điện tử - ảnh 1

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT)

Chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí liên quan đến vấn đề này.

Tạp chí điện tử ngày càng nhiều

PV: Tại sao gần đây việc xử phạt sai phạm của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Tạp chí điện tử diễn ra nhiều hơn, thưa ông?

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: Gần đây, sai phạm tập trung nhiều ở tạp chí điện tử. Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phải rà soát các tôn chỉ mục đích của tạp chí điện tử, trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, trên cơ sở đúng pháp luật, có tình, có lý, với các mức độ xử lý từ nhắc nhở, chấn chỉnh đến xử phạt vi phạm hành chính, đình bản, thậm chí là thu hồi giấy phép.

Vậy thực tiễn hoạt động của báo chí điện tử gần đây có vấn đề gì nổi cộm để Bộ trưởng phải chỉ đạo quyết liệt như vậy ?

Theo quy định của Luật Báo chí, các tạp chí điện tử xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, nhưng thực tế lại thường xuyên sản xuất tin, bài thuộc các lĩnh vực mà giấy phép không quy định.

Do phương thức thông tin như báo điện tử nên các tạp chí điện tử cũng chịu áp lực về thời lượng tin bài phải nhanh, dẫn đến quy trình thẩm định tin, bài làm chưa tốt, thông tin sửa, gỡ nhiều. Bài nào cảm thấy chưa chắc chắn có thể đăng lên rồi sau có thể hạ xuống hoặc biên tập.

Thêm vào đó là áp lực về kinh tế, phải tự chủ tài chính nên luôn tìm đề tài có tính chất giật gân, câu khách, xoáy nhiều vào tiêu cực mà ít đưa những điển hình tiên tiến, nhân văn, làm sao để bạn đọc vào nhiều, để thu hút quảng cáo. Sai tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật xúc phạm uy tín cá nhân, tổ chức là vấn đề nổi cộm, cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Cụ thể số lượng Báo điện tử, Tạp chí điện tử hiện nay ở nước ta trong thời gian qua phát triển như thế nào, thưa ông ?

Hiện nay Báo điện tử nói chung cả nước có 196 cơ quan báo và Tạp chí điện tử. Trong đó Báo điện tử là 136 báo, Tạp chí điện tử có 60 (Trong đó ở Trung ương là 55 và địa phương có 5). Nhu cầu xin ra tạp chí điện tử ngày càng tăng.

Ông có thể chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự phát triển mạnh của các Tạp chí điện tử gần đây ?

Trước hết, do quy định của Luật Báo chí mở rộng đối tượng được ra tạp chí. Hơn nữa, do nhu cầu cần thông tin nhanh nên nhiều viện nghiên cứu trước đây chỉ có tạp chí giấy, nay xin ra tạp chí điện tử để công bố nhanh công trình khoa học, tin tức khoa học chuyên ngành.

Cùng với đó, do số lượng hội, hiệp hội, viện nghiên cứu được thành lập mới nhiều, mà theo quy định thì đủ điều kiện họ có thể được ra tạp chí; mà phần lớn các hội, hiệp hội, viện nghiên cứu đều có nhu cầu xin ra tạp chí điện tử.

Có tạp chí sa đà vào đánh đấm tiêu cực

Công tác quản lý đối với các Tạp chí điện tử đang được tiến hành như thế nào, thưa ông ? 

Vừa rồi, Cục Báo chí đã rà soát hơn 20 tạp chí điện tử, bước đầu nhắc nhở, chấn chỉnh, xử phạt vi phạm hành chính, điển hình như xử lý các tạp chí Môi trường sức khỏe, Tạp chí TTV, Hòa Nhập, Viettime, Tạp chí Luật sư… Có tạp chí bám sát nội dung chuyên ngành nhưng xen lẫn vào đó là những chuyện đánh đấm tiêu cực không phải lĩnh vực của mình. Đã có một số bài viết sai phạm nghiêm trọng, Cục Báo chí đã xử lý vi phạm hành chính, đình bản và thu hồi giấy phép.

Việc xuất hiện thêm nhiều Báo điện tử, Tạp chí điện tử có khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn không, nhất là trong bối cảnh nguồn lực con người của Cục cũng có hạn ?

Việc cấp phép được thực hiện theo quy định của Luật Báo chí và quy hoạch phát triển và quản lý báo chí. Báo, tạp chí được thành lập trên cơ sở phải thực sự là cơ quan ngôn luận của tổ chức xin ra báo chí, tôn chỉ mục đích được quy định trong giấy phép rất chặt chẽ, chứ không phải cấp rộng để họ làm việc khác.

Trong bối cảnh tác động của truyền thông xã hội như hiện nay, số lượng cơ quan báo chí không phải là nguyên nhân dẫn đến vi phạm. Cơ quan quản lý đang rất chủ động trong công tác quản lý thông tin, đang có các giải pháp và biện pháp quyết liệt.

Địa phương phản ánh nhiều

Được biết vừa qua các đơn vị của Bộ TT&TT, trong đó Cục Báo chí đã thành lập các đoàn kiểm tra các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Ông có thể cho biết sơ bộ về kết quả kiểm tra?

Vừa qua, Cục Báo chí thành lập tổ công tác kiểm tra ở ba tỉnh Tây Nguyên, Hải Phòng, tới đây là Tp.HCM, Đà Nẵng, bên cạnh đó Thanh tra bộ cũng kiểm tra ở các tỉnh miền Trung, Cà Mau, Cần Thơ.

Qua kiểm tra có thể đúc kết lại là tình trạng nhiều cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu về phóng viên thường trú, cũng như quy định về thành lập văn phòng đại diện. Có tình trạng phóng viên lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, gây phản ứng của cá nhân tổ chức, chính quyền địa phương.

Nhiều CTV được tuyển vào không có hợp đồng, nhiều văn phòng đại diện phải tự lo tài chính… Do vậy, áp lực kinh tế rất lớn khiến họ phải tự vận động, làm việc này, việc khác nên xảy ra tình trạng như tôi đã đề cập ở trên.

Tình trạng này tập trung ở khối Báo điện tử, Tạp chí điện tử. Đó là lý do mà cơ quan quản lý đang tập trung để rà soát, đánh giá nhằm yêu cầu lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Ông có thể nêu một số biện pháp cụ thể mà các cơ quan quản lý sẽ thực hiện nhằm chấn chỉnh tình trạng trên ?.

Như tôi đã đề cập, các đơn vị của Bộ TT&TT trong đó có Cục Báo chí sẽ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Cục Báo chí cùng với việc rà soát tôn chỉ mục đích sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại thông tin trên báo chí của người dân; tăng cường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quán triệt sâu rộng Luật Báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí; phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam trong việc phổ biến quy định về đạo đức nghề báo, tăng cường xử lý hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện việc tương tác nhanh giữa cơ quan quản lý và cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin định hướng kịp thời; quán triệt sâu rộng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để các cơ quan hành chính nhà nước nhận thức đầy đủ và trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; tăng cường cung cấp thông tin chuyên đề, giải đáp vướng mắc, có định hướng chỉ đạo kịp thời để báo chí tác nghiệp và tuyên truyền tốt nhất.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này !

Theo PLO

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cục trưởng Cục báo chí nói về việc xử lý sai phạm các Tạp chí điện tử
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.