Đà Lạt ứng phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Phúc Minh|23/03/2024 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ Tết Nguyên đán đến nay, một số khu vực của TP Đà Lạt thiếu nước sinh hoạt, hiện nay hồ Đan Kia - Suối Vàng đang dần khô hạn nên nguy cơ Đà Lạt thiếu nước sinh hoạt sẽ trầm trọng hơn.

Theo đó, ngày 21/3, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy, nâng cấp kênh mương, hồ đập, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước.

Các sở, ban, ngành nói trên phải chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước tiếp tục có nguy cơ thiếu hụt trong mùa khô năm 2024, nhằm đảm bảo nguồn cung nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

da-lat-thieu-nuoc.jpg
Đà Lạt nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng khi hồ Đan Kia - Suối Vàng đang cạn kiệt

Trước đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng nhận định các hồ chứa nước đang sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong các ngày lễ, tết cũng như định hướng phát triển đô thị trong tương lai.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, có tới 9/11 tổ dân phố tại thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều khu vực trên địa bàn TP Đà Lạt: Xuân Trường - Trạm Hành, các tuyến đường Khe Sanh, An Bình, Lữ Gia, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Hoa Thám, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, tổ dân cư Thái An…

Một doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn bức xúc phản ánh đã gặp phải sự cố mất nước sinh hoạt nhiều ngày vào dịp Kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Tết dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Sự cố trên khiến du khách phản ứng gay gắt, hủy phòng khá nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Nguyên nhân chính là do hệ thống cấp nước hiện hữu không đáp ứng yêu cầu thực tiễn: Đối với các khu vực bất lợi (địa hình cao, xa), nước không thể cung cấp đến; lượng khách du lịch tăng cao nên lưu lượng nước chưa đảm bảo, phải ưu tiên cấp cho khu vực trung tâm nên cắt giảm, cấp luân phiên cho một số khu vực khác.

Nguồn nước để sản xuất nước sinh hoạt chính cho TP Đà Lạt chủ yếu khai thác từ hồ Đan Kia (chiếm 78% nguồn nước cấp). Thế nhưng thượng nguồn hồ chứa nước này đang trong tình trạng khô cạn nghiêm trọng; phía trung lưu và hạ lưu của hồ cũng sắp đến mực nước chết.

Cũng theo Sở Xây dựng, trong tương lai, với tình trạng gia tăng dân số ở Đà Lạt, trữ lượng và chất lượng nước hồ hiện nay khó đáp ứng yêu cầu phát triển; đặc biệt, tình trạng bồi lắng gây sụt giảm trữ lượng và xả thải làm ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, hệ thống mạng lưới đường ống xuống cấp, thiếu được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, chưa vươn tới nhiều khu vực trong đô thị; thiếu các bể chứa, đài nước, đặc biệt tại các khu vực bất lợi nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Tình trạng chủ yếu sử dụng nguồn nước từ hồ Đan Kia và một tuyến ống chuyển tải D600, trong khi chưa có phương án dự phòng cụ thể, hữu hiệu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cấp nước khi có sự cố về nguồn nước hay tuyến ống chuyển tải.

Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh thống nhất về mặt chủ trương cho Cty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng lắp thêm một tuyến ống chuyển tải D600 từ Nhà máy nước Đan Kia 1 đến bể Tùng Lâm và trạm bơm tăng áp tại bể Măng Lin. Dự kiến, tuyến ống này dài 7,2km, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Mặt khác, Cty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng cần nghiên cứu, tìm kiếm, đầu tư các công trình cấp nước từ các nguồn nước khác (hồ thủy điện, thủy lợi …) hoặc xem xét đầu tư hồ chứa nước riêng cho cấp nước sinh hoạt để đảm bảo có nguồn nước thay thế khi các nguồn nước, đặc biệt là hồ Đan Kia không đáp ứng các yêu cầu cho khai thác.

Bài liên quan
  • Nắng nóng xuất hiện nhiều nơi, cảnh báo thiếu nước
    Theo dự báo, từ nay đến ngày 20/4, tâm điểm của nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; khả năng khô hạn sẽ còn kéo dài và gây ra tình trạng thiếu nước, nguy cơ cháy nổ rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Lạt ứng phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt