Đắc Lắc: Tìm giải pháp khắc phục kênh thủy lợi bỏ hoang

H.Thu (T/h)|09/09/2017 14:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 9/9, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc Mai Trọng Dũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin kênh thủy lợi dẫn nước sau hồ đập Ea Súp bị bỏ hoang, UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh về công trình thủy lợi bị “đắp chiếu” này.

(Moitruong.net.vn) – Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc đề nghị tiếp tục xây dựng những phần kênh nhánh của dòng kênh chính bị bỏ hoang để đưa công trình này vào phục vụ sản xuất.

kenh bo hoangTuyến kênh thủy lợi dẫn nước sau hồ Ea Súp thượng đoạn qua xã Cư M’lan, huyện Ea Súp bị bỏ hoang năm nay cây cỏ mọc che lấp cả tuyến kênh

Sở NN-PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc với các bên liên quan và xem xét hồ sơ liên quan đến công trình này.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắc Lắc, đơn vị hiện đang quản lý công trình thì hiện nay công trình chỉ mới tưới được 5.692 ha. Nguyên nhân do nhiều tuyến kênh nhánh chưa được đầu tư xây dựng.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện trạng kênh chính sau đập hồ thượng có bảy vị trí bị hư hỏng. Cụ thể, tại K0+337m: Cống tiêu số 1, bờ và mái bê-tông bờ trái bị hư hỏng dài 1 m; tại Km0+775m: Cửa ra cầu máng ống thép bị hư hỏng toàn bộ dài 6 m; tại K1+289m: Bờ kênh đất phía phải sạt lở, tấm đan kênh phía phải bị hư hỏng dài 12 m; tại K1+850m: Bờ kênh sạt lở, tấm đan kênh phía trái hư hỏng dài 3 m; tại K2+100m: Bờ kênh sạt lở, tấm đan kênh phía phải hư hỏng dài 12 m; tại K2+250m: Bờ kênh sạt lở, đoạn kênh bê tông bị hư hỏng dài 21 m; tại K4+060m, vị trí cống tiêu số 5, bờ kênh sạt lở, đoạn kênh bị hư hỏng dài 8 m…

Hiện tại, tuyến kênh này do mùa mưa nước lũ tràn vào gây bồi lắng lòng kênh, tình trạng cỏ mọc trong lòng kênh và hai bên bờ kênh chiếm hơn 80% chiều dài toàn tuyến.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc đề nghị UBND tỉnh báo cáo với Bộ NN-PTNT cho phép được sử dụng vốn kết dư và vốn dự phòng từ Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên thuộc tỉnh Đắc Lắc để đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến kênh nhánh của tuyến kênh chính này sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất; chỉ đạo UBND huyện Ea Súp phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc lập thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh này.

Được biết, công trình kênh thủy lợi dẫn nước sau hồ Ea Súp thượng có tổng mức đầu tư hơn 25,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình được xây dựng bằng bê-tông với chiều dài hơn 5 km để lấy nước từ hồ Ea Súp thượng về tưới cho khoảng 200 ha cây trồng trên địa bàn thị trấn Ea Súp và xã Cư M’lan, huyện Ea Súp.

Trong khi công trình với nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang, còn người dân sinh sống gần tuyến kênh phải bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê máy múc ao, khoan giếng tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, nhưng nguồn nước vẫn không đủ. Do hạn hán nặng, nhiều năm nay nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nặng làm giảm năng suất, thậm chí là mất trắng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân địa phương.

Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN-PTNT Mai Quang Vượng cho biết: “Sau khi thi công xong tuyến kênh, Ban đã kiểm định, nghiệm thu chất lượng công trình trước khi bàn giao lại cho phía địa phương quản lý. Việc phát huy hiệu quả của tuyến kênh này hay không, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và công ty quản lý khai thác. Bởi sau khi Ban bàn giao toàn bộ hiện trạng và ký biên bản hiện trạng thì đơn vị quản lý khai thác phải có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng, sử dụng để phát huy được hiệu quả của công trình. Còn về chất lượng thi công công trình và tạo nguồn nước, Ban bảo đảm thi công theo đúng thiết kế dự án đầu tư đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt”.

H.Thu (T/h)


(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đắc Lắc: Tìm giải pháp khắc phục kênh thủy lợi bỏ hoang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.