Điện Biên: Cần giải pháp hiệu quả trong khai thác khoáng sản

Nam Hương|28/04/2017 01:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khó quản lý trong khai thác khoáng sản

(Moitruong.net.vn) – Việc quản lý khai thác và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản  ở Điện Biên chưa hiệu quả. Điều này  làm thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế ngân sách Nhà nước và kéo theo hệ lụy cho môi trường sinh thái, biến đổi địa chất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Điện Biên thì trên địa bàn tỉnh có rất ít doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến. Hầu hết không có hệ thống thu bụi, dẫn tới hàm lượng bụi tại nơi làm việc cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Qua công tác đo, phân tích lượng bụi, độ ồn ở một số điểm mỏ cho thấy, hầu hết các mẫu thử đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Điển hình như sự cố môi trường tại điểm khai thác mỏ vàng xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông). Công ty Moolybden mặc sức vào khai thác, cho máy móc cày xời, đảo lộn hiện trạng đất đai, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng… rồi tự ý “tháo chạy” không ai hay biết; để lại hậu quả môi trường cho huyện nghèo gánh đỡ.  Nhưng Nhức nhối và gây bức xúc dư luận nhất có lẽ là vấn nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông, suối.

3

Cần giải pháp hiệu quả trong khai thác khoáng sản

Hiện cả tỉnh Điện Biên mới chỉ cấp phép cho 2 doanh nghiệp khai thác cát là Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Nam Sơn và công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc, thuộc đội 6, xã Pom Lót và đội 19, xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Tuy nhiên, trên dòng suối Nậm Sát, qua địa phận xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo thường xuyên có hàng chục máy hút cát ngang nhiên hoạt động. Mặc dù không được cấp phép khai thác, nhưng việc hút, khai thác cát tại đây lại diễn ra tự do, công khai suốt thời gian dài. Sự việc nói trên còn tiếp diễn ở nhiều huyện khác như: Mường Nhé, huyện Điện Biên, Mường Ảng. “Cát tặc” lì lợm, thách thức cả với chính quyền địa phương.

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt nói: Để xảy ra nạn khai thác cát trái phép, chính quyền xã không tránh khỏi trách nhiệm. Tuy nhiên, mỗi lần chúng tôi thực hiện đi kiểm tra, các cơ sở này lại dừng hoạt động chuyển sang khai thác đêm. Có bắt được quả tang thì cùng lắm là thu máy móc, phạt hành chính tối đa không quá 5 triệu. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép mang lại. Chúng tôi ngăn chỗ này, chỗ khác lại mọc, khung quy định xử phạt nạn “cát tặc” e còn quá nhẹ, không đủ sức dăn đe, thông tin trên báo TN&MT.

Loay hoay tìm giải pháp

Lãnh đạo Sở TN&MT Điện Biên, ông Bùi Châu Tuấn cho biết: Chúng tôi đã tăng cường xử lý mạnh các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, nhưng việc quản lý tại các địa bàn vùng xâu xa là còn khó khăn. Trong khi vai trò của UBND cấp xã trong ngăn chặn, xử lý, tuyên truyền cho người dân hiểu thì chưa làm được nhiều nên thất thu tài nguyên khoáng sản vẫn nằm ở đó.

Trong thời gian tới Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nhất là các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước. Tham mưu để UBND tỉnh Điện Biên giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện và xã chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống con người trong tương lai.

Nam Hương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cần giải pháp hiệu quả trong khai thác khoáng sản