Sáng 2/11, các tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và Nhóm Công lý – Môi trường – Sức khỏe cùng tổ chức tọa đàm “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với luật Bảo vệ môi trường sửa đổi”..
Tọa đàm thu hút đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học lĩnh vực môi trường từ các bộ, ngành tham dự.
Dự thảo Luật Môi trường còn nhiều thiếu sót
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết: Sau hơn 5 năm được thực thi, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn đất nước.
Theo đó, từ khi khởi thảo đến nay, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã qua 7 lần sửa đổi, đã qua bước thẩm tra và chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là được Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy vậy, dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều vấn đề thiếu sót, từ phạm vi, kết cấu, nội dung cần được tiếp tục xem xét, bổ sung để tránh tình trạng luật ra đời thiếu tính khả thi, không áp dụng được vào thực tiễn
Nhiều nhà khoa học cho rằng, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi còn nhiều vấn đề phải xem xét sửa đổi, bổ sung
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, luật gia trong lĩnh vực môi trường đã có những ý kiến thảo luận, đánh giá liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí; góc nhìn pháp lý đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; hệ lụy từ việc bảo vệ môi trường không hiệu quả đối với cộng đồng… Từ đó, các chuyên gia đưa ra những nhận định về những thiếu sót và những vấn đề cần được xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Đa số các ý kiến đều cho rằng dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi chưa cụ thể hóa các nội dung mà Hiến pháp quy định để thể hiện được mục tiêu phát triển của đất nước (kinh tế- xã hội- môi trường); chưa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.”
Cụ thể, liên quan đến thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, do Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với bộ chuyên ngành thẩm định được quy định trong dự thảo là chưa hợp lý. Bởi lẽ, cơ quan có quyền quyết định dự án đầu tư lại tham gia thẩm định sẽ không bảo đảm sự khách quan trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.
Các chuyên gia nhận định, đối với những dự án này, sẽ hợp lý hơn nếu giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập hội đồng thẩm định. Dự thảo Luật cũng chưa quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và truyền thông trong giám sát việc tham vấn, thẩm định, quyết định báo cáo ĐTM.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật chưa quy định rõ ràng về việc cung cấp thông tin và công khai thông tin về các thành viên hội đồng thẩm định. Có thể thấy, việc cung cấp thông tin về môi trường với công khai thông tin về môi trường là hai việc khác nhau.
Khoản 2 Điều 37a Dự thảo Luật mới chỉ quy định về trách nhiệm công khai thông tin về Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM trên trang điện tử và chủ dự án phải công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt (khoản 9 Điều 38a Dự thảo) mà không quy định cụ thể bắt buộc về trách nhiệm giải trình các thông tin về báo cáo ĐTM này của các chủ dự án; chưa quy định thời điểm chủ dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai ĐTM; công khai trên hệ thống dữ liệu quốc gia hay trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức nào; chưa quy định về thời hạn công khai thông tin; chưa quy định trách nhiệm pháp lý của chủ dự án hoặc cơ quan nhà nước nếu không công khai…
Thiếu quy định vai trò giám sát bảo vệ môi trường của người dân
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD)- Bác sỹ Nguyễn Trọng An, chia sẻ trong buổi tọa đàm : “Qua theo dõi, cập nhật thường xuyên về việc sửa đổi luật Bảo vệ môi trường lần này, dự thảo đăng trên cổng thông tin online của Quốc hội và dự thảo lần thứ 7 gửi cho các ĐBQH có nhiều điểm khác nhau.
Cụ thể có một số nhận xét mà ông đã chỉ ra tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bao gồm:
Thứ nhất, dự thảo đăng trên cổng thông tin duthaoonline.com của Quốc hội có nội dung khác hoàn toàn so với dự thảo gửi tới các ĐBQH.
Thứ hai, cả hai dự thảo đăng trên cổng thông tin duthaooline.com của Quốc hội và dự thảo lần thứ 7 phát cho các ĐBQH đều không có báo cáo tác động của môi trường đến sức khỏe con người, động thực vật.
Thứ ba, toàn bộ dự thảo có trong tay ĐBQH không có điều khoản nào quy định cụ thể về bảo vệ sức khỏe của người dân, vô hiệu hóa vai trò của y tế dự phòng nói riêng và hạn chế quyền và trách nhiệm của ngành y tế nói chung.
Thứ tư, dự thảo lần thứ 7 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 tìm cách hạn chế người dân giám sát chất lượng và thông tin bảo vệ môi trường.
Từ những tồn tại nêu trên, đa số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần được tiếp tục, xem xét, bổ sung cho hoàn thiện, để sau khi luật ra đời có thể áp dụng vào thực tiễn, tránh sửa đổi nhiều lần.
Ánh Ngọc