Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp “kêu” gặp khó vì phải thu gom ô tô để tái chế

Ngân Hoàng|20/10/2021 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Liên quan đến một số nội dung trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, Hiệp hội sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam đã nêu khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ thu gom, tái chế đối với ô tô, xe máy từ người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: KT

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với một số hội, hiệp hội doanh nghiệp (DN) về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

Tại buổi làm việc, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp đã chỉ ra một số bất cập, thiếu khả thi trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Ông Lê Văn Vệ, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho rằng, xe máy là một tài sản của người dân, khi mua họ đăng ký quyền sở hữu. Việt Nam cũng chưa có chính sách cũng như chế tài khuyến khích chủ phương tiện thải bỏ. Vì thế Dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp thu gom xe máy là không khả thi.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tái chế, còn thu gom thì rất khó khăn. Thực tế, các nước tiên tiến trên thế giới tái chế xe máy, ô tô rất nhiều nhưng thu gom thì chưa từng có trong tiền lệ”, ông Vệ nói và cho rằng, quy định thu gom phương tiện xe máy về tái chế gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể, việc thu gom tái chế cũng khiến giá thành sản phẩm tăng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Bà Hải Yến, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô cũng khẳng định: “Chúng tôi không từ chối trách nhiệm tái chế nhằm góp phần vào giảm thải, bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, theo bà Yến, Dự thảo mới quy định doanh nghiệp phải đạt tỷ lệ tái chế nhất định dựa trên tổng lượng sản phẩm tiêu thụ ra thị trường, là không sát với thực tiễn. Ô tô là tài sản của người dân, doanh nghiệp chúng tôi không thể thu hồi, vì không có khung pháp lý hỗ trợ”, bà Yến nói.

Bà Yến cũng cho rằng, lộ trình áp dụng tái chế cũng cần xem xét lại, bởi nền công nghệ tái chế Việt Nam chưa đạt được sự phát triển như các nước tiên tiến, nhiều sản phẩm chưa thể tái chế trong nước mà phải gửi ra nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, nhiều nước đã đẩy mạnh tái chế ô tô, xe máy và nước ta không thể nằm ngoài xu hướng. Vấn đề là tìm ra cách tốt nhất chứ không thể đứng ngoài xu hướng. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, vì cộng đồng của các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Hà, để tái chế thì trước hết phải thu gom được. Trong luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định lộ trình không cho hoạt động tiêu thụ nhiên liệu, dừng các loại phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, thực trạng phương tiện giao thông, trong đó có rất nhiều ô tô, xe máy cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải nhưng vẫn hoạt động nên phải thu hồi, dừng hoạt động để tái chế. Điều này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông.

“Đã đến lúc mỗi người một phải chung tay để hành động, trong đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ô tô, xe máy không thể đứng ngoài cuộc. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ có thời điểm khó khăn hay thuận lợi, nhưng dù thế nào thì cũng đã đến lúc cần phải hành động thiết thực. Do vậy, cần phải thảo luận góp ý thêm về cơ chế, làm sao để thực hiện được về thu gom, tái chế ô tô, xe máy cũ, góp phần bảo vệ môi trường…”, Bộ trưởng Hà nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, để tạo ra công bằng thì không thể để tình trạng các hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, giấy, nhựa… đẩy mạnh thực hiện thu gom, tái chế sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ô tô, xe máy lại đứng ngoài cuộc.

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, để thu gom, tái chế sản phẩm ô tô, xe máy thì các nhà sản xuất, nhập khẩu không phải không có cách nào, cũng không nhất thiết phải quy định pháp luật cứng rắn. Đơn cử có thể dùng cơ chế thị trường như khuyến khích đổi cũ lấy mới. Đồng thời, nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế đăng ký đăng kiểm… kết hợp tuyên truyền để người dân nhận ra rằng như vậy là mang lại nhiều lợi ích thì sẽ thu gom được ô tô, xe máy cũ để tái chế.

Vấn đề trước hết là làm sao để mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải thấy rõ được trách nhiệm bảo vệ môi trường, vì cộng đồng, phát triển bền vững. Cơ chế chính sách hay cách làm sẽ từ từ cùng nhau chung tay thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các hội, hiệp hội doanh nghiệp để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, tạo sự công bằng về môi trường cho người dân Việt Nam.

Ngân Hoàng

Bài liên quan
  • Quảng Nam chú trọng thực hiện Đề án chất thải rắn nông thôn
    Moitruong.net.vn – Nhờ Đề án chất thải rắn (CTR) nông thôn đã giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mở rộng thêm địa bàn thu gom CTR trong cộng đồng dân cư trong tổ, thôn, đường nhỏ, kiệt hẻm. Qua đó, đã khắc phục đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, xóa bỏ được nhiều điểm rác công cộng tự phát, góp phần bảo vệ môi trường vùng nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp “kêu” gặp khó vì phải thu gom ô tô để tái chế