(Moitruong.net.vn) Vào sáng ngày 18/3/2017 trong khuôn khổ các hoạt động của Hội Báo toàn quốc, Tạp chí người làm báo kết hợp với Ban nghiệp vụ nhà báo và công luận tổ chức chương trình giao lưu báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội.
Trong buổi giao lưu có sự tham gia của các vị khách mời: ông Phạm Lương Sơn (Phó tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam), ông Trịnh Xuân Quảng (Vụ phó vụ thi đua khen thưởng thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Vũ Mạnh Cường (Phó vụ trưởng vụ truyền thông thi đua khen thưởng bộ Y tế).
Về phía lãnh đạo hội nhà báo Việt Nam gồm có: nhà báo HồQuang Lợi (Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam), nhà báo Mai Đức Lộc (Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam), ông Nguyễn Bé (Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam),… cùng nhiều vị khách mời và đại biểu khác.
Toàn cảnh buổi giao lưu
Trong buổi giao lưu đã đề cập đến những vấn đề nóng trong xã hội được sự quan tâm của đông đảo công chúng như: Vấn đề môi trường: “Formosa xả thải chất chưa qua xử lý xuống biển gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt trong vùng biển miền Trung”, để thấy rằng vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế bền vững.
Vấn đề ATVSTP: Vụ “nước mắm truyền thống Asem” đã khiến cho 50 cơ quan báo chí bị đình chỉ hàng loạt, gây ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí truyền thông.
Vấn đề giáo dục: Hiệu trưởng và hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên đã che giấu sự việc học sinh bị gãy chân trong sân trường, không trung thực trong báo cáo, thiếu thành khẩn khi nhận sai dù đã có chỉ đạo quyết liệt từ thành phố.
Bên cạnh đó vấn đề xâm hại trẻ em cũng được nêu ra như một điểm nóng “nhức nhối” đang được báo chí quan tâm hiện nay.
Quang cảnh Hội báo toàn quốc đang diễn ra
Đại diện Hội nhà báo, Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh đây là một buổi giao lưu trên tinh thần mở và không có đọc diễn văn, tất cả mọi người ngay cả sinh viên cũng có thể đặt câu hỏi cho các vị khách mời.
Tại buổi giao lưu, về phía Bộ Y tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao giới báo chí, truyền thông thời gian vừa qua đã kịp thời phanh phui những vụ việc gây bức xúc cho xã hội. Cả ba cơ quan quản lý nhà nước nói trên đều luôn coi trọng công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, tạo điều kiện tối đa để các phóng viên, nhà báo tác nghiệp, phản ánh những điểm tốt, những cái chưa được của ngành.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, khoảng 3 năm trước đây, Bộ Y tế gặp khủng hoảng liên quan đến truyền thông. Sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cấp coi truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Hiện ngành y tế đã xây dựng được các tuyến để phối hợp cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bộ Y tế đang tiến hành tập huấn về kỹ năng truyền thông cho Giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo các sở. Bộ cũng chỉ đạo các bệnh viện lớn xây dựng các trung tâm quan hệ với công chúng, báo chí.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các cơ quan thuộc Bộ luôn lắng nghe những ý kiến phản biện từ báo chí, coi đó là thông tin quan trọng giúp điều chỉnh chính sách để đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của người dân, các em học sinh, sinh viên.
Ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2016, Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để bạn đọc hiểu được công việc đang làm cũng như giải thích những việc chưa làm được. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được mạng lưới để chia sẻ với các đầu mối thông tin kịp thời.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Hương Sen, Thái Bình cũng đánh giá cao vai trò báo chí truyền thông trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên theo bà Bích, nhiều khi báo chí còn thông tin thiếu chính xác, chưa bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp một cách chính đáng. Bà Bích hy vong, báo chí sẽ luôn đồng hành cũng doanh nghiệp vì sự phát triển.
Khánh Thu