Góp ý đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

Bích Thuần (t/h)|24/10/2018 06:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

28 dự án sản xuất công nghiệp thuộc loại lớn nhất Việt Nam sẽ có tên trong danh sách kiểm soát đặc biệt về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), theo dự thảo Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.

>>>Cảnh giác nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tiếp tục xảy ra ở vùng núi phía Bắc

>>>Quảng Nam: “Cát tặc” tung hoành trên sông Thu Bồn – (Bài 1): Tại sao cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động?

28 dự án đề nghị kiểm soát đặc biệt về môi trường – Đồ họa: TẤN ĐẠT.

Theo dự thảo đề án đã hoàn tất hồi tháng 10, Bộ TN-MT đề xuất hình thức “kiểm soát đặc biệt” đối với các dự án sản xuất công nghiệp lớn nói trên. Các dự án này sẽ đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở trung ương hoặc địa phương theo các tiêu chí kiểm soát được phân loại bằng cách tính điểm số cụ thể, chia theo mức độ cần kiểm soát đặc biệt cao hay thấp.

Theo nguồn tin được viết, vừa qua đề án đã được Bộ TN-MT gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Bộ TN-MT cho rằng thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định việc lập đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là kế hoạch chủ động từ phía cơ quan quản lý để chủ động kiểm soát, hạn chế tối đa các sự cố môi trường lớn. Ông Hà cũng nêu rõ quan điểm phải chuyển từ bảo vệ môi trường cuối đường ống sang bảo vệ môi trường ở đầu đường ống. Đặc biệt là phải kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau. “Từ đề án kiểm soát đặc biệt, những dự án thuộc diện kiểm soát sẽ phải rà soát tổng thể, định ra lộ trình cho từng dự án phải khắc phục từ công nghệ đến quy trình xử lý, đảm bảo không còn nguy cơ ô nhiễm, sự cố. Tiếp nữa là hướng đến mục tiêu tương lai trong một vài năm tới không còn những dự án phải kiểm soát đặc biệt nữa” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đối tượng bị kiểm soát là các dự án, cơ sở sản xuất lớn thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công nghệ lạc hậu, lượng phát sinh chất thải lớn, vị trí đặt dự án nhạy cảm về môi trường. Cách thức kiểm soát là thông qua sự phối hợp của cơ quan quản lý môi trường và chủ dự án trong việc rà soát, đánh giá, xác định nguy cơ gây ô nhiễm và các yêu cầu cần thực hiện.

Danh mục 16 loại hình sản xuất công nghiệp thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt ở cấp trung ương gồm: luyện gang, thép; nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất giấy, bột giấy; nhuộm (vải, sợi); mạ; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; sản xuất xi măng; sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); lọc hóa dầu; thuộc da; chế biến thủy sản; chế biến mía đường; sản xuất pin, ắc quy; xử lý chất thải.

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt được phân thành mức rất cao, cao và thấp dựa trên các tiêu chí về trình độ công nghệ sản xuất, mức độ đáp ứng yêu cầu của các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường, năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, năng lực quản lý và giám sát môi trường và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Dự án, cơ sở sản xuất sau khi được các bộ, ngành, UBND tỉnh rà soát, đánh giá; hoặc sau khi thực hiện các biện pháp khắc phục, cải tiến, đổi mới cần thiết, nếu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được đánh giá ở mức thấp sẽ được đưa ra khỏi danh mục cần kiểm soát đặc biệt.

Cần phải nhấn mạnh rằng, ngoại trừ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Formosa (Hà Tĩnh) đã phải chịu sự kiểm soát đặc biệt của BộTN-MT từ tháng 5-2017, các dự án còn lại là các dự án đã, đang và sẽ xây dựng dự kiến sẽ phải kiểm soát đặc biệt về môi trường kể từ năm 2018. Và không có nghĩa tất cả các dự án chịu sự kiểm soát đặc biệt về môi trường là các dự án đã có vấn đề về môi trường. Hình thức kiểm soát đặc biệt còn đồng nghĩa với việc phòng ngừa rủi ro.

Chưa hết, Bộ TN-MT cũng thống kê trên phạm vi cả nước vẫn còn tồn tại một số lượng lớn các lĩnh vực, loại hình công nghiệp, công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao. Vì vậy, đề án cảnh báo thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường ở phạm vi rộng, liên vùng với tính chất, mức độ phức tạp ngày một cao.

Bích Thuần (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao