Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29/4 đến 5/5), kết quả giải trình tự gen của 36 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron, trong đó biến thể XBB.1.5 chiếm ưu thế (44,8%).
Như vậy, tính từ đầu tháng 4/2023 cho đến nay, Hà Nội đã lấy 58 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 (gồm 40 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 18 mẫu cộng đồng) để tiến hành giải trình tự gen.
Kết quả cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron. Trong đó có 26 mẫu XBB.1.5 (chiếm tỷ lệ 44,8%), 11 mẫu XBB.1.9.1 (chiếm 19%), 10 mẫu XBB.1.11.1 (chiếm 17,2%), 4 mẫu XBL (chiếm 6,9%), 3 mẫu XBB.1.9.2 (chiếm 5,2%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.2.3 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.3.5 (chiếm 1,7%).
Trong tuần từ ngày 29/4 đến 5/5, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc Covid-19, tương đương so với tuần trước.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, các biến chủng qua giải trình tự gen tại Hà Nội cũng tương đồng như thế giới. Hiện chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực của các biến chủng mới. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ.
Theo CDC Hà Nội, thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát biến chủng của virus SARS-CoV-2. Cụ thể, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ cao khi mắc Covid-19 để chuyển viện kịp thời, tránh để bệnh nặng mới chuyển viện.
Đồng thời, tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm đối tượng người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn và triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có phân bổ vaccine của Bộ Y tế.
Đề cập đến vấn đề này GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, biến thể Omicron đã xuất hiện trong hơn 1 năm qua với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Việt Nam hiện đã ghi nhận tất cả những biến thể phụ của chủng Omicron.
Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh nhưng biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn so với các chủng virus ghi nhận trước đó. Hiện chưa phát hiện biến thể thế hệ mới sau Omicron. Các biện pháp phòng dịch vẫn được áp dụng là tiêm vaccine, khẩu trang và khử khuẩn.
Trong giai đoạn hiện nay cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao như: Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…, từ đó, tránh sự quá tải hệ thống y tế.
Trước sự gia tăng của ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Đặc biệt, theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh dịch Covid-19 và các bệnh có nguy cơ lây nhiễm khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và các bệnh dịch khác, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ nghiêm biện pháp kiểm soát lây nhiễm Covid-19 và các bệnh khác.
Các cơ sở tăng cường thực hiện các biện pháp sàng lọc, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để kịp thời phát hiện, cách ly sớm các ca bệnh có nguy cơ lây nhiễm. Tăng cường bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như người bệnh nặng, thận nhân tạo, người cao tuổi, phụ nữ có thai....