(Moitruong.net.vn) – Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến đến 30 đầu cầu quận, huyện, thị xã trên địa bàn để triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình sách giáo khoa mới.
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị đã giới thiệu tổng quan về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể; giới thiệu chương trình giáo dục tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý; chương trình giáo dục tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên; về công tác xây dựng cơ sở vật chất trong các nhà trường và công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, giới thiệu tổng quan về chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình nhấn mạnh, chương trình nhằm giúp học sinh hình thành năng lực cốt lõi như tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đồng chí cho biết: Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, Ban Phát triển chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định tổng thể; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh đã giới thiệu chương trình giáo dục tích hợp môn khoa học xã hội – môn lịch sử – địa lý. Đây là môn học bắt buộc từ lớp 6 – 9, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo tiền đề cho học sinh tiếp tục học giai đoạn phân hoá và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian từ nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Trong từng thời kỳ có sự đan xen lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam. Nội dung giáo dục địa lý theo mạch từ địa lý đại cương đến địa lý khu vực và địa lý Việt Nam. Tại môn học này, ban soạn thảo đã lựa chọn một số chủ đề để đưa vào giảng dạy, gồm: Các cuộc đại phát kiến địa lý, đô thị lịch sử và hiện tại; văn minh của châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Cửu Long và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đặc biệt, những điểm đổi mới đã được GS.TS Nguyễn Viết Thịnh nêu ra là các thầy cô sẽ dạy theo phương hướng tiếp cận năng lực của học sinh, đề cao vai trò chủ thể học tập của các em; rèn luyện năng lực tự học, không áp đặt, không ghi nhớ máy móc bằng cách giảm thiểu kiến thức sự kiện; sử dụng linh hoạt phương pháp, kỹ thuật dạy học; đa dạng hoá hình thức tổ chức dạy học; sử dụng hợp lý và có hiệu quả các thiết bị phương tiện dạy học cũng như tăng cường dạy học khám phá. Trên cơ sở đó, việc ra các đề kiểm tra ở môn này cũng sẽ thay đổi, không coi việc tái hiện kiến thức là trung tâm mà chú trọng khả năng vận dụng. Các giáo viên được yêu cầu bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và năng lực môn học để đa dạng hoá hình thức đánh giá giáo dục.
Cũng tại hội nghị, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn đã giới thiệu về chương trình giáo dục tích hợp môn khoa học tự nhiên – môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của vật lý, hoá học, sinh học và khoa học Trái đất.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 – 2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 – 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022. Giai đoạn 2017 – 2024, sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý. Việc đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông là trách nhiệm của các địa phương. Trong giai đoạn tới, nguồn vốn trung ương hỗ trợ sẽ ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm…
Các địa phương cần chủ động huy động nhiều nguồn từ ngân sách địa phương, kêu gọi xã hội hóa và các nguồn tài trợ để góp phần từng bước giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học…
Tại hội nghị trực tuyến, hầu hết các đại biểu tại các điểm cầu đều tán thành đổi mới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng có đồng quan điểm băn khoăn về một số vấn đề như: việc đào tạo giáo viên, đặc biệt là việc tích hợp các môn học xã hội, tự nhiên và những yêu cầu về cơ sở vật chất. Các trường cần định hướng sớm mới có thể chuẩn bị điều kiện đầy đủ về con người và cơ sở vật chất…
Theo HNP