Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), gia đình ông Đào Văn Đến (trú tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau khi bơm nước để thu hoạch cá đã phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao vào ngày 9/2. Ngay sau đó, gia đình ông Đến đã báo tin tới cơ quan chức năng địa phương.
Ngày 12.2, Viện Khảo cổ học và UBND huyện Thủy Nguyên đã đến khảo sát và cho rằng các cọc gỗ mà ông Đến tìm thấy có giá trị trong việc nghiên cứu về chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Do một số cọc đã bị hủy hoại, gia đình ông Đến cũng đang tiến hành cải tạo ao nên ngày 14.2, Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cho phép khai quật khẩn cấp nơi phát hiện 13 cọc gỗ trên.
Khu vực ao nuôi cá phát lộ bãi cọc, nghi liên quan đến chiến trận Bạch Đằng.
Dự kiến, việc khai quật sẽ diễn ra trên diện tích 400 m2. Chủ trì việc khai quật là tiến sĩ Bùi Văn Hiếu của Viện Khảo cổ học.
Trước đó, từ ngày 27/11/2019 đến ngày 19/12/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Theo các nhà khoa học, di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.
Mai An (t/h)