(Moitruong.net.vn) – Thích đọc sách và chia sẻ về những cuốn sách hay với mọi người, Lê Thị Quỳnh Anh (26 tuổi – Cựu sinh viên khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội) chọn việc viết điểm sách để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

>>>PGS. TS Ngô Văn Giá: Người làm báo cần nhiều hơn là chữ tài

Quỳnh Anh trong một dịp đi tác nghiệp

Sau khi tốt nghiệp Khoa Viết văn – Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Quỳnh Anh vẫn thường xuyên cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau, đặc biệt là Báo điện tử Zing.vn để thỏa mãn tình yêu với việc đọc sách và văn chương.
Nghề báo đến với Quỳnh Anh giống như một cơ duyên, cũng vì nghĩ sức khỏe không phù hợp với những công việc cần xê dịch nhiều nên Quỳnh Anh đã chọn học khối A để sau này làm công việc ổn định. Nhưng rồi khi biết tin trường Đại học Văn hóa Hà Nội tuyển sinh khoa Viết văn – Báo chí, cộng thêm phần động viên, khích lệ của các anh chị làm báo đi trước đã khơi dậy niềm đam mê viết vốn đã âm ỉ trong cô từ rất lâu, vì vậy cô nàng đã quyết tâm nộp hồ sơ vào khoa báo mà không một chút đắn đo. Và rồi đúng như mong đợi, không một chút khó khăn, Quỳnh Anh đỗ vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Quỳnh Anh đến với nghiệp viết từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, bắt đầu viết bằng những tin điểm sách nho nhỏ, đăng trên những trang báo điện tử như VnExpress, Zing.vn… Nhớ về những ngày mới chập chững vào nghề, Quỳnh Anh không thể nào quên được những người anh, người chị đã động viên rất nhiều để tiếp thêm động lực cho Quỳnh Anh vững tay cầm bút. Quỳnh Anh chia sẻ: “Mặc dù mình chỉ viết báo dưới vị trí là cộng tác viên nhưng các anh chị trong các tòa soạn vẫn rất nhiệt tình với mình, khiến tình cảm mình đặt vào báo chí không hề nhỏ, mặc dù hiện tại không theo báo chính thức nhưng nếu được quyền lựa chọn mình vẫn luôn mong đủ sức khỏe để được dành 100% năng lượng vào báo chí”.

Cũng theo cô nàng đến từ xứ Thanh, trong suốt thời gian gặp gỡ, quen biết với những anh chị làm trong giới báo chí, cô tâm sự, những điều cô học được từ các anh chị đi trước không chỉ ở kỹ năng làm báo mà còn học được cách làm báo tử tế và cách đối nhân xử thế.

Bản thân là một người đam mê đọc sách một cách nghiêm túc, Quỳnh Anh cho rằng việc sáng tạo một tác phẩm báo chí cần có một sự trung thực nhất định. Làm báo thì không thể nào có chuyện cóp nhặt mỗi nơi một chút rồi biến thành cái của mình. Điều Quỳnh Anh học được trong suốt gần 3 năm làm cộng tác với các báo đó là sự trung thực trong quá trình tác nghiệp cũng như khi viết bài. Đó cũng là bài học cho cuộc sống: Phải có trách nhiệm với việc mình làm.

Quỳnh Anh cũng cho rằng nghề nghiệp nào cũng có chông gai, có rất nhiều lần đi phỏng vấn, nhân vật có những nhận xét quá thẳng thắn, có thể khiến người nghe mất lòng, nhưng qua đó Quỳnh Anh biết được mình phải cố gắng hơn rất nhiều.

Là một người chuyên viết điểm sách, Quỳnh Anh đưa ra một số quan điểm các nhân về thực trạng “lười” đọc sách của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Cô cho rằng sách văn học hiện nay được người trẻ đọc với nhu cầu giải trí nhiều hơn là để học hỏi và chiêm nghiệm. Trong đó thể loại sách được đọc nhiều nhất là ngôn tình.
Đọc ngôn tình không giúp chúng ta nâng cao được vốn từ ngữ và khả năng tư duy. Sở thích là thứ cá nhân, và mọi người đều có thể đọc thể loại mà mình muốn. Nhưng khi cầm một cuốn sách lên và bỏ thời gian đọc nó, nên chọn những tác giả, tác phẩm có chất lượng, cung cấp nhiều kiến thức cho bản thân, như vậy tốt hơn là chỉ đọc để phục vụ nhu cầu giải trí.

Bày tỏ quan điểm trước những ý kiến cho rằng: “Không học văn thì không cần đọc sách” . Quỳnh Anh cho rằng đó là một nhận định sai lầm, cô trăn trở: “Đọc sách là cách phát triển tư duy ngôn ngữ. Từ đó chúng ta sẽ suy ngẫm được nhiều điều trong cuộc sống, thúc đẩy bản thân sống tốt đẹp hơn. Tư duy ngôn ngữ cần cho tất cả mọi nghề, chứ không riêng gì những nghề liên quan đến văn học và việc viết lách. Vậy nên, đừng cho rằng đọc sách không giúp ích được gì cho cá nhân mình trong việc tìm kiếm việc làm”.

Vi Yến


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hãy làm báo bằng cả đam mê
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.