Iceland khánh thành nhà máy hút khí thải lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu loại bỏ 1 triệu tấn carbon/năm
Nhà máy Mammoth của Climeworks ở Hellisheidi, Iceland được ví như “chiếc máy hút bụi lớn nhất thế giới” đã được đưa vào hoạt động với mục tiêu loại bỏ số lượng lớn khí thải mỗi năm.
Nhà máy Mammoth của Climeworks tại Iceland đã chính thức bắt đầu hoạt động vào hôm qua (15/10). Đây là nhà máy được thiết kế để hút không khí và loại bỏ carbon bằng hóa chất thứ hai tại đất nước này, lớn hơn gấp 10 lần nhà máy trước đó là Orca (bắt đầu hoạt động vào năm 2021).
Công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon của nhà máy Mammoth có khả năng thu giữ khí CO2 từ các nhà máy điện và công nghiệp, lưu trữ chúng vĩnh viễn dưới lòng đất. Ngoài lưu trữ vĩnh viễn, CO2 cũng có thể được sử dụng cho mục đích thương mại như một phần của chuỗi giá trị, tiêu biểu như việc bơm CO2 xuống các mỏ dầu khí đã được khai thác gần cạn kiệt để tăng sản lượng.
Climeworks bắt đầu xây dựng Mammoth vào tháng 6 năm 2022. Nhà máy có thiết kế dạng mô-đun với không gian cho 72 thùng chứa thu gom có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển dễ dàng. Hiện tại nhà máy hoạt động với 12 thùng chứa và sẽ dần dần bổ sung thêm trong vài tháng tới.
Toàn bộ hoạt động trên được cung cấp năng lượng từ nguồn năng lượng địa nhiệt sạch và dồi dào của Iceland.
Theo tuyên bố của công ty Climeworks, Mammoth sẽ có thể thu gom 36.000 tấn carbon từ khí quyển mỗi năm ở công suất tối đa, tương đương với việc giảm tải được 7.800 chiếc ô tô trong một năm. Climeworks dự kiến đến năm 2030, nhà máy có thể thu gom 1 triệu tấn carbon mỗi năm.
Công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon được coi là yếu tố then chốt để hạn chế phát thải từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, công nghệ này vẫn chưa thể phổ biến rộng rãi do yêu cầu cao về chi phí.
Theo CNN, nhà máy Mammoth hoạt động với chi phí khoảng 1.000 đô la với mỗi tấn carbon hút được. Jan Wurzbacher, đồng sáng lập kiêm đồng giám đốc điều hành của Climeworks cho biết công ty đặt mục tiêu giảm chi phí xuống còn 300 đến 350 đô la một tấn vào năm 2030 và đến năm 2050 là 100 đô la một tấn.