– UBND tỉnh Quảng Bình vừa có Công văn số 2102/UBND-KT về việc triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung.
>>> Sơn La: Chủ động tiến hành các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại
Động đất tại Philipinies: Mức độ nguy hiểm của sóng thần đã giảm
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý phòng, chống xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông phù hợp với từng khu vực, đảm bảo bền vững, không gây sạt lở khu vực khác và hạn chế tác động đến môi trường.
Trong công tác tham mưu, lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng, các sở, ngành, địa phương cần chủ động xác định hành lang an toàn để quản lý phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển phù hợp và bền vững. Tránh việc xây dựng công trình hạ tầng, nhất là khu dân cư, khu du lịch sát ven biển khi không đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ việc khai thác cát ở vùng cửa sông, ven biển, kể cả đối với các dự án nạo vét để tránh gây sạt lở cửa sông, ven biển.
Ngoài ra các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, huy động nguồn lực của quốc tế, nguồn vốn ODA và hợp tác công tư (PPP), sự tham gia của người dân và doanh nghiệp hưởng lợi để bổ sung nguồn lực đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông. Kết hợp việc nạo vét, khắc phục tình trạng bồi lấp cửa sông với phòng, chống sạt lở bờ biển, giữ đất, lấn biển, mở rộng đất đai tại những khu vực phù hợp, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội. Mặt khác, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung khắc phục khẩn cấp các khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và nạo vét khu vực cửa sông bị bồi lấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ và hoạt động của tàu cá của ngư dân.
Bên cạnh đó UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, bồi lấp cửa sông, sạt lở đất ở vùng núi. Quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, quy định hiện hành, đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả đầu tư.
Hoàng Hùng