Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La, tối qua, tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long đã chính thức khai mạc “Tuần lễ Mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023”. Đây là sự kiện do Trung Tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La phối hợp cùng tập đoàn Central Retail tổ chức.
Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ Việt Nam, các tỉnh, thành phố Sơn La, Hà Nội...
Với sự tham gia của 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu và trưng bày các sản sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản an toàn và đặc trưng có thế mạnh của tỉnh Sơn La: Mận, Xoài, chè, nhãn, bơ, na, thanh long, mít, ổi, các loại rau và các sản phẩm chế biến như: Chè, cà phê, hoa quả sấy, miến dong…, Tuần lễ Mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La sẽ kéo dài liên tục đến hết ngày 5/6/2023, là dịp để người dân Thủ đô Hà Nội trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, globalGAP, OCOP, Organic của tỉnh Sơn La như: Mận hậu, xoài, mít, nhãn, thanh long…
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: “Sự kiện Tuần lễ Mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023 được tổ chức trong những ngày tháng Năm lịch sử chính là sự thể hiện cụ thể nhất cho sự phối hợp của Hội nông dân Việt Nam, Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long với tỉnh Sơn La. Chúng tôi coi đây là một sự kiện quan trọng, cơ hội tốt đưa sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn của tỉnh vào thị trường Thủ đô và các tỉnh, từ đó kết nối với các thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo đột phá trong tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân”.
Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2023, tỉnh Sơn La tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu tổng sản phẩm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng 5% so với năm 2022. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất. Hiện có gần 85 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng quả thu hoạch trong năm 2023 ước đạt 452 nghìn tấn; cấp được 281 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.600 ha xuất khẩu sang các thị trường như: Úc, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU và một số thị trước khác. Có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh hiện có 110 sản phẩm OCOP; công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2023, dự kiến số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 18.700 tấn, với một số sản phẩm trái cây chủ yếu, như: 8.000 tấn xoài; 4.500 tấn nhãn; gần 4.500 tấn chuối, 1.000 tấn chanh leo...; giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La quý I năm 2023 ước đạt 54,38 triệu USD. Số lượng quả phục vụ chế biến cho các nhà máy, cơ sở chế biến trong tỉnh ước tính khoảng 70 nghìn tấn, còn lại là tiêu thụ trong nước.
Cũng tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết: Hiện nay, tại Hệ thống bán lẻ thực phẩm của Central Retail (GO!, Big C, Tops Market), các sản phẩm của tỉnh Sơn La được khách hàng rất ưa chuộng, bởi: Chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận An toàn thực phẩm, VietGAP, GolbalGAP, Organic... được người tiêu dùng đánh giá khá cao. Điều này được thể hiện thông qua 60 mặt hàng nông sản các loại của tỉnh Sơn La được bày bán thường xuyên trên kệ hàng của hệ thống 18 siêu thị GO!, Big C, Tops Market khu vực Miền Bắc.
Năm 2022 vừa qua, sản lượng sản phẩm nông sản Sơn La tại các siêu thị của Central Retail đạt mức tăng trưởng gấp 20 lần, thậm chí có những mặt hàng như Bắp cải tăng trưởng 80 lần.
Có được kết quả trên, là nhờ Sơn La là một trong những địa phương năng động, thường xuyên phối hợp với Central Retail tổ chức các sự kiện quảng bá cho các sản phẩm nông sản như: Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Tuần lễ Dâu tây và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Tuần lễ Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La…
Tại Lễ khai mạc sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận tiêu thụ nông sản của Tập đoàn Central Retail Việt Nam với tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố; ký kết thoả thuận tiêu thụ nông sản của Tập đoàn Central Retail Việt Nam với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố.
Với diện tích 12.353 ha, sản lượng Mận hậu tỉnh Sơn La năm 2023 đạt khoảng 89.837 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7. Nhãn hiệu “Mận Sơn La” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021. Một số sản phẩm mận chất lượng cao của Sơn La như: Mận Pu Nhi (huyện Sông Mã), Mận Ruby (Nà Cang, huyện Mộc Châu), Mận Phiêng Khoài (huyện Yên Châu).
Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào,… tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tuần lễ mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La khai mạc từ tối 1/6 và kéo dài đến hết ngày 5/6/2023.
Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại năm 2023 ước đạt 84.784 ha (tăng 2,14% so với năm 2022), sản lượng quả thu hoạch dự kiến đạt 451.779 tấn (tăng 28% so với năm 2022).
Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và đảm bảo các tiêu chuẩn tương đương ước đạt 5.917 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ: 16.542,9 ha. Sản lượng các sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 3.098 tấn/năm. Sản lượng mật ong sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 364 lít/năm. Tổng diện tích sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ: 8.217 ha.
Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu 46.000 tấn trái cây các loại cho các thị trường Úc, Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU....