Khánh Hòa sẽ xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang kênh mương Dự án Hồ chứa nước Tà Rục

Vũ Thành|06/08/2022 20:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Do gián đoạn trong quá trình thi công vì thiếu vốn và mất các mốc ranh giới nên thời gian qua, khu vực hai bên công trình kênh mương Dự án Hồ chứa nước Tà Rục (huyện Cam Lâm) nhiều hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng này.

Ông Trần Tấn Thành - cán bộ Địa chính xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) cho biết, địa phương có khoảng 2km công trình kênh mương thuộc Dự án Hồ chứa nước Tà Rục. Sau khi dự án hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vào năm 2016, các mốc ranh giới hành lang bảo vệ công trình không còn. Trong khi đó, đất hai bên hệ thống kênh mương chảy qua chủ yếu là đất canh tác hoa màu (trồng mì, mía…), trang trại của người dân địa phương. Quá trình canh tác, để bảo vệ phần đất của gia đình, các hộ đã cắm cọc, xây dựng các hạng mục công trình cổng, tường rào…

Do không xác định được ranh giới công trình nên dẫn đến các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang kênh mương. Qua công tác kiểm tra của UBND xã Cam An Bắc, phát hiện 29 trường hợp vi phạm.

du-an-ho-chua-nuoc-ta-ruc.jpg
Một khu vực ở xã Cam An Bắc có trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh mương Dự án Hồ chứa nước Tà Rục

Được biết, không chỉ riêng xã Cam An Bắc, tình trạng vi phạm tương tự còn xảy ra ở các địa phương khác có hệ thống kênh mương chảy qua như: xã Cam An Nam và Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm).

Dự án Hồ chứa nước Tà Rục do Ban Quản lý (BQL) Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Theo ông Dương Ngọc Đan - Trưởng ban Quản lý hồ Tà Rục, năm 2016, BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 đã bàn giao cọc mốc ranh giới giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Cam Lâm để làm công tác đền bù. Nhưng khi UBND huyện Cam Lâm bàn giao lại mặt bằng để thi công thì không còn mốc nữa. Cùng với đó, công trình thi công giai đoạn 2016 - 2017 thì hết vốn nên phải dừng thi công; đến đầu năm 2020 mới thi công trở lại. Do thời gian dừng thi công lâu nên một số đoạn bị người dân lấn chiếm. Đến nay, công trình kênh mương Dự án Hồ chứa nước Tà Rục đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, vận hành theo đúng thiết kế, cung cấp nước tưới cho hơn 1.750ha đất canh tác ở huyện Cam Lâm. Việc xử lý dứt điểm những trường hợp lấn chiếm hành lang công trình nhằm phát huy đồng bộ, hiệu quả đầu tư, tránh gián đoạn trong quản lý khai thác (mở rộng, đấu nối, sửa chữa công trình…) sau này.

Trước thực trạng này, vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị BQL Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 tổ chức xác định lại toàn bộ mốc hành lang bảo vệ công trình (mốc giải tỏa đã được bàn giao), bàn giao lại cho UBND huyện Cam Lâm.

Đồng thời, giao UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo các xã có liên quan khẩn trương làm việc với các hộ dân để vận động trả lại diện tích đất đã lấn chiếm sử dụng (xử lý ngay đối với phần diện tích đất lấn chiếm hiện trạng đang trồng hoa màu, vận động hoặc xử lý vi phạm đối với diện tích lấn chiếm để làm hàng rào).

Bên cạnh việc chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm ranh giới hành lang công trình, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh nhánh để đấu nối vào hệ thống kênh chính của Hồ chứa nước Tà Rục.

Theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm, sau khi huyện kiểm tra và tiến hành vận động, xử lý có kết quả: Đối với cây trồng và hàng rào tạm lưới B40, 29 hộ đã tháo dỡ trả lại mặt bằng hành lang bảo vệ kênh mương (xã Cam An Bắc 25 hộ, xã Cam An Nam 2 hộ, xã Cam Hiệp Nam 2 hộ). Đối với cổng và tường rào xây dựng kiên cố, kinh phí xây dựng lớn, các hộ sẽ tiến hành phá dỡ, trả lại diện tích đã thu hồi (4 hộ xã Cam An Bắc, 19 hộ xã Cam Hiệp Nam, 28 hộ xã Cam An Nam); UBND các xã đã lập biên bản cam kết đối với từng hộ dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khánh Hòa sẽ xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang kênh mương Dự án Hồ chứa nước Tà Rục
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.