(Moitruong.net.vn) – Trước diễn biến khôn lường của các sự cố cháy nổ diễn ra trong thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn tỉnh để chủ động đối phó với các sự cố khi xảy ra.
Hiện trường tan hoang sau vụ hỏa hoạn tại chợ huyện U Minh Thượng
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra 10 vụ cháy, 1 vụ tai nạn khiến 3 người thương vong, thiệt hại về tài sản khoảng 625 triệu đồng.
Thống kê cho thấy so quý I-2017, giảm 6 vụ cháy, số người thương vong tăng thêm 1 người, bị thương giảm 1 người, ước thiệt hại tài sản giảm 16,4 tỷ đồng. Hều hết nguyên nhân xảy ra các vụ cháy là do sự cố điện và bất cẩn trong sử dụng lửa sinh hoạt.
Để tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Anh Nhịn, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 47, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và các văn bản của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy; Nghị định số 83, ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ triển khai phương án chữa cháy
Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một số cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, chú trọng địa bàn huyện Phú Quốc. Mặt khác, tỉnh Kiên Giang tổ chức đợt tổng kiểm tra các cơ sở tập trung đông người, như: chung cư, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở karaoke; các cơ sở tại khu công nghiệp có sử dụng chất lỏng cháy, nguyên vật liệu dễ cháy, các khu vực cầu cảng, cơ sở dự trữ, kinh doanh xăng dầu, hóa chất dễ cháy, nổ…
Qua đó, phát hiện và kiến nghị người có trách nhiệm khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về an toàn phòng cháy, chữa cháy; đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân của các vụ cháy, nổ xảy ra.
Cùng với đó, Công an tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền đưa kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào các chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục chỉ đạo, thành lập, củng cố, kiện toàn các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng theo quy định của pháp luật. Quan tâm đầu tư kinh phí cho các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương. Nơi nào để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì người đứng đầu nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Quốc Tuấn