Qua thống kê có 39.224 cây sâm Ngọc Linh của 408 hộ bị thiệt hại, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 20,8 tỷ đồng. Trong đó, cây bị thiệt hại do sâu, bệnh hại là 38.412 cây/393 hộ, ước tính thiệt hại hơn 20,4 tỷ đồng; cây bị chết do ảnh hưởng của mưa đá là 812 cây/27 hộ, ước tính thiệt hại hơn 324 triệu đồng.
Trước thực trạng trên, ngày 21/7, UBND huyện Tu Mơ Rông đã có báo cáo tình hình thiệt hại sâm Ngọc Linh do sâu bệnh hại, mưa đá gây ra trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện thời tiết bất lợi xảy ra mưa đá, mưa lớn, mưa dài ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Một số sâu bệnh phát sinh và gây hại làm chết, giảm sinh trưởng của cây Sâm Ngọc Linh. Từ đó, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân trồng sâm trên địa bàn huyện.
Cũng theo UBND huyện Tu Mơ Rông, sau khi xảy ra tình trạng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn bị chết, địa phương đã kiểm tra, xác minh nguyên nhân và hướng dẫn tạm thời một số biện pháp phòng trừ như sử dụng thuốc Trichoderma để xử lý mùn núi; đồng thời, hướng dẫn người dân tách các cây bị bệnh ra khỏi luống... Đến nay, cây sâm Ngọc Linh đã dần ổn định, không còn triệu chứng của bệnh hại.
Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, UBND huyện Tu Mơ Rông đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện; chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện để khôi phục các diện tích bị chết và vườn ươm giống sâm Ngọc Linh của người dân bị chết.