Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV chỉ diễn ra trong 21 ngày

Hiền Minh|18/10/2022 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 20/10 và dự kiến bế mạc ngày 15/11. Điểm đổi mới của kỳ họp cuối năm nay là chỉ diễn ra trong 21 ngày, ít hơn các kỳ họp cuối năm thường lệ (khoảng 30 ngày).

hop-bao.png
Quang cảnh buổi họp báo.

Dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nội dung trọng tâm của kỳ họp cuối năm nay là công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; Công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022; Xem xét, quyết định công tác nhân sự,…..

Tại kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Và 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh 6 dự án Luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4, nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất…

Thời gian qua, nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn đã được tổ chức ở cả cấp Trung ương và địa phương để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật này.

Cùng công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam); việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định công tác nhân sự; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn…

Theo dự kiến chương trình, các phiên khai mạc, bế mạc kỳ họp; các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; phiên giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV chỉ diễn ra trong 21 ngày