Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Báo Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết

Lâm Minh|26/01/2022 12:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 26/1, lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết, phát hành số đầu tiên (25/1/1942-25/1/2022) đã được long trọng tổ chức tại trụ sở cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Báo Đại Đoàn Kết.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhà báo Lê Anh Đạt, quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, trong không khí trang trọng kỷ niệm 80 năm báo Cứu Quốc – tiền thân của báo Đại Đoàn Kết xuất bản số đầu tiên, ngày 25 tháng 1 năm 1942, chúng ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các giai đoạn Cứu Quốc – Giải phóng – Đại Đoàn Kết.

“Đó là những năm tháng không thể nào quên, những năm tháng các thế hệ cha anh chúng ta làm báo trong chiến tranh, những con chữ viết ra trả giá bằng máu, để cổ vũ toàn dân đánh giặc, giữ nước, thống nhất non sông; tạo dựng nên một cơ quan báo chí giàu bản lĩnh, đậm bản sắc gắn với những lý tưởng lớn của các thế hệ, đồng hành cùng quốc gia, dân tộc”, nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định.

Cứu Quốc gắn với sứ mệnh tổng khởi nghĩa giành độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; Giải Phóng, gắn với sứ mệnh đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng và thống nhất đất nước. Đại Đoàn Kết là sứ mệnh hòa hợp, đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của báo Cứu Quốc – Giải Phóng, nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, thế hệ những người làm báo Đại Đoàn Kết hôm nay sẽ quyết tâm vượt mọi khó khăn thách thức, xây dựng tờ báo của MTTQ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với những gì các tiền nhân đã gây dựng nên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: PĐ

Là cơ quan ngôn luận của MTTQ Việt Nam, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động báo Đại Đoàn Kết xác định rõ sứ mệnh là tiếng nói khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ta được sống trong ấm no, hạnh phúc.

Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới của báo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Báo Đại Đoàn Kết cần phải thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; cổ vũ, lan tỏa cái đẹp, lan tỏa tình yêu thương đùm bọc giúp đỡ nhau trong cộng đồng, đấu tranh phê phán cái xấu, lấy “xây” để “chống”.

Đất nước đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ do dịch COVID-19 gây ra, ông Trần Thanh Mẫn mong muốn Báo Đại đoàn kết cũng như nhiều cơ quan báo chí khác phải khắc phục khó khăn, đem đến cho bạn đọc những thông tin trung thực, hữu ích; động viên nhân dân chung sức, đồng lòng vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Báo cũng cần nhanh nhạy, kịp thời hơn nữa, có những tin, bài đáp ứng nhu cầu thông tin và định hướng dư luận xã hội trước những tác động đa chiều của các kênh thông tin đa dạng hiện nay, nhất là trên mạng xã hội.

Tại Lễ Kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao tặng báo Đại Đoàn Kết bức trướng với dòng chữ: “Phát huy truyền thống 80 năm. Đoàn kết – Bản sắc – Phát triển”.

Nhân dịp này, báo Đại Đoàn Kết đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2013-2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Lâm Minh

Bài liên quan
  • [Infographics] Tuyên ngôn Độc lập – Những giá trị lịch sử trường tồn
    Moitruong.net.vn – Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn độc lập ấy, cho đến ngày hôm nay, sau 76 năm vẫn còn nguyên những giá trị, đặc biệt là khẳng định ý chí, khát vọng hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Báo Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết