Lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức khai giảng tại Khu đô thị ĐHQGHN ở Hòa Lạc

Lam Hạ|24/10/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng nay, ngày 23/10, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội toiwa dự lễ khai giảng.

khai-giang.jpg
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội tới dự lễ khai giảng.

Việc lần đầu tiên tổ chức khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Khu đô thị ĐHQGHN ở Hòa Lạc đánh dấu một sự kiện trọng đại với thầy và trò của trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Bởi Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình đại học thông minh, đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, hiện đại về trang thiết bị được Chính phủ phê duyệt năm 2003 đã chính thức đưa vào vận hành.

Chính vì thế nên việc lần đầu tiên tổ chức khai giảng tại khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử đối với thầy và trò nhà trường, nhất là với 1.500 tân sinh viên khóa QH.2022 thuộc các Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Việt Nhật, Trường Quốc tế - khi lần đầu tiên được học tập trung tại Hòa Lạc.

GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cho biết dự án của nhà trường tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với quy mô 1.113 ha. ĐHQGHN hiện có quy mô khoảng 60.000 học sinh, sinh viên và thầy cô giáo. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực nội thành của ĐHQGHN chỉ có 16 ha, chủ yếu thuộc 3 trường thành viên: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Trường ĐH Ngoại ngữ. Nhiều đơn vị trong ĐHQGHN phải đi thuê cơ sở vật chất với chi phí hàng trăm tỷ mỗi năm. Không gian cho đào tạo và nghiên cứu khoa học rất chật chội, hầu như không có không gian để nghiên cứu chuyển giao và hợp tác cung ứng dịch vụ.

Do đó, việc đưa dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc vào sử dụng sẽ giúp tạo ra không gian mới để nâng tầm ĐHQGHN.

“ĐHQGHN thay đổi tư duy và cách làm đối với một không gian mới như Hòa Lạc: Chuyển từ tập trung riêng cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tới Hòa Lạc sang đưa vào sử dụng dùng chung đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cấp bách cho toàn ĐHQGHN để đảm bảo xây dựng đến đâu đưa vào sử dụng hiệu quả đến đó; Chuyển từ các ngành khoa học cơ bản sang mở mới thêm các ngành kỹ thuật công nghệ và các ngành xã hội có nhu cầu cao; Chuyển từ bắt buộc các đơn vị phải chuyển tới Hòa Lạc một cách hành chính sang ưu tiên phát triển các đơn vị đang có nhu cầu. Hơn hết, lãnh đạo phải chuyển tới Hòa Lạc thì tập thể mới theo gương, cơ quan ĐHQGHN chuyển đến thì đơn vị mới sẵn sàng, thầy cô chuyển đến thì sinh viên và gia đình mới yên tâm. Nếu chúng ta không có mặt ngày đêm ở Hòa Lạc thì Hòa Lạc sẽ khó chuyển mình”, GS Lê Quân nói.

GS Lê Quân cũng bày tỏ mong muốn, với không gian phát triển mới, ĐHQGHN sẽ nhanh chóng vươn lên, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng trở thành trung tâm tri thức hàng đầu.

Tới dự lễ khai giảng, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chúc các cán bộ, giảng viên và các sinh viên một năm học mới tràn đầy năng lượng, sức sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu, xứng đáng với tầm vóc Đại học Quốc gia.

Ông Mẫn cũng ghi nhận, đánh giá cao việc trong một năm qua, ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển trụ sở làm việc về Hòa Lạc, tổ chức tuyển sinh và hôm nay đón các sinh viên đến học tập.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, ĐHQGHN đã và đang tiếp tục có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định danh tiếng, xác lập vị trí đại học hàng đầu Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao trong khu vực và thế giới.

“Những thành công bước đầu của ĐHQGHN cùng một số trường đại học đang tạo nên khí thế mới của giáo dục đại học Việt Nam trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”, ông Mẫn nói.

Ông Mẫn cũng bày tỏ mong muốn các em sinh viên hãy cố gắng rèn đức, luyện tài, chăm học, đạt được nhiều điểm cao, thành tích tốt - bởi đó là những “bông hoa” đầy ý nghĩa dâng tặng thầy cô, là động lực rất lớn cho thầy cô trong sự nghiệp trồng người.

“Các em hãy luôn suy nghĩ ‘Hằng ngày chúng ta đến trường để học cái gì’. Muốn thành đạt, hội nhập thì ngoài những kiến thức trong sách vở, còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, phải trang bị cho mình các giá trị chuẩn mực về tính cách và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp; gắn bó, thương yêu nhau; biết tìm hiểu công việc, biết đề ra kế hoạch học tập, rèn luyện; biết làm việc theo nhóm, phân công và hỗ trợ lẫn nhau; biết cải tiến kĩ năng và sáng tạo trong các hoạt động học tập, nghiên cứu.

Với trí tuệ, sức vươn lên của tuổi trẻ, tôi mong các em sinh viên luôn vun đắp lý tưởng cao đẹp, nuôi dưỡng khát vọng để phấn đấu, hiện thức hóa ước mơ, khẳng định vai trò của mình trong xã hội”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói và mong các sinh viên hãy tự tin tiến bước.

Được biết trong 5 năm qua, ĐHQGHN liên tục được tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và Time Higher Education (THE) xếp trong nhóm 1.000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới.

Mới đây nhất, ĐHQGHN được QS tặng giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức khai giảng tại Khu đô thị ĐHQGHN ở Hòa Lạc