Lào Cai: Thiếu bể chứa, người dân Mường Khương xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật vẫn là tiện đâu vứt đó

Lam Trinh|21/09/2022 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Do việc đầu tư xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế và nằm cách xa nhau, cộng với việc nhận thức về bảo vệ môi trường còn hạn chế nên người dân Mường Khương xử lý loại rác thải này vẫn là tiện đâu vứt đó hoặc đốt tại chỗ.

rac-m.khuong.jpg
Gần 10 năm qua anh Sèng mới 2 lần thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chuyển về nơi xử lý.

Do việc đầu tư xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế và nằm cách xa nhau, cộng với việc nhận thức về bảo vệ môi trường còn hạn chế nên người dân Mường Khương xử lý loại rác thải này vẫn là tiện đâu vứt đó hoặc đốt tại chỗ.

Mường Khương là huyện có tới 3 tiểu vùng khí hậu, nổi tiếng với những đặc sản nông nghiệp như: gạo Séng Cù, đậu tương vàng, dứa Bản Lầu, chè tuyết shan Thanh Bình, mận hậu Cao Sơn, lê Pha Long, tương ớt, thảo quả, tam thất và lợn ỷ Mường Khương… Phần lớn những sản phẩm trên đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác thải nhất là việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ vẫn là tiện đâu vứt đó và đốt tại chỗ.

Anh Giàng Chẩn Sèng, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết: “Nhà tôi trồng 2,5 ha cây chuối mô nên làm không hết việc, phải thuê 3 lao động để chăm sóc cây chuối. Khi phun thuốc bảo vệ thực vật xong, người làm thuê vứt vỏ bao, gói thuốc ở đâu tôi cũng không rõ”.

Với 2,5 ha cây chuối, mỗi năm gia đình anh Sèng sử dụng tới hàng trăm lọ thuốc diệt cỏ và thuốc sâu. Dù đã được chính quyền xã tuyên truyền về thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật nhưng gần 10 năm nay, gia đình anh mới 2 lần thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chuyển cơ quan chức năng mang đi xử lý.

Đề cập đến tình trạng các bao, gói, vỏ lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi được người dân sử dụng vứt rải rác ngay tại nương, đồi, khu vực lấy nước để pha chế thuốc, ông Lồ Củi Dùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền tới người dân nhưng đa số chưa có ý thức và chưa quan tâm tới việc thu gom vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật để mang đi xử lý. Khoảng 3 năm gần đây, UBND xã phải huy động các lực lượng dân quân, đoàn thanh niên đến các khu vực người dân trồng chuối, chè để thu gom. Đến năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp xã xây dựng 8 bể đựng vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật nhưng so với diện tích cây trồng thì số bể đựng vỏ bao là quá ít và cách xa nhau nên lượng thu gom chưa nhiều.

Còn tại thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu, thôn có 134 hộ dân thì có tới 120 hộ trồng dứa. Mỗi vụ dứa người dân phải phun ít nhất 2 lần thuốc diệt cỏ, mỗi lần khoảng 4 kg thuốc gói dạng bột/ha. Do nương ở xa nhà nên sau mỗi lần phun, các hộ dân thường tập trung vỏ bao thuốc vào một chỗ rồi đốt.

Hiện xã Bản Lầu có 1.150 ha dứa, 462 ha chè và 600 ha chuối. Với diện tích này, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên có khối lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân chỉ thu gom và xử lý bằng cách đốt, chưa thu gom để vận chuyển đi tiêu hủy theo đúng quy định. Việc tự xử lý như vậy gây ảnh hưởng thêm tới môi trường vì gây phát thải chất độc hại dư thừa và việc đốt vỏ nhựa, túi ni-lông đựng thuốc cũng gây nhiều nguy hại khác.

Một trong những khó khăn trong thu gom vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Khương là ý thức của người dân còn chưa cao, chưa quan tâm thu gom. Bên cạnh đó, trên địa bàn thiếu nhiều bể chứa, các bể lại xây dựng cách xa nhau nên chưa thuận lợi cho người dân thu gom. Điển hình như xã Bản Lầu, có 1.150 ha dứa, 462 ha chè và 600 ha chuối nhưng chỉ có 14 bể chứa vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi theo quy định, cứ 3 ha đất trồng cây hằng năm phải có 1 bể chứa bao, gói thuốc bảo vệ thực vật; 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm sẽ có 1 bể chứa (dung tích 0,5 - 1 m3). Vì các bể được xây dựng cách xa nhau, chưa thuận lợi cho việc thu gom nên người dân chủ yếu vẫn tự xử lý tại chỗ bằng cách thiêu hủy.

Việc thiếu bể chứa đang là trở ngại bởi người nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ không biết phải thu gom chuyển đi đâu vì nơi có bể, nơi lại không. Cụ thể, năm 2019 huyện Mường Khương mang đến kho 72 kg vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; năm 2020 Công ty Chè Lợi Sơn Điền Sa Pa mang ra 150 kg; năm 2021 cả Sa Pa, Mường Khương và Bảo Yên mang đến kho tổng 1.560 kg để chờ tiêu hủy.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm tới việc tổ chức thu gom vỏ, bao, gói thuốc bảo vệ thực vật và tuyên truyền nâng cao ý thức trong Nhân dân. Cùng với đó, kinh phí để thu gom, xử lý vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn hẹp. Điều quan trọng nhất hiện nay đối với các địa phương là cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để hoạt động thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được triển khai thường xuyên, đúng quy trình, trước tiên các địa phương cần quan tâm xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện hằng năm theo hướng dẫn của tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể thực hiện xã hội hóa kinh phí thu gom, xây bể chứa rác của các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất tại địa phương để nâng cao số lượng bể thu gom và chất lượng thu gom.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lào Cai: Thiếu bể chứa, người dân Mường Khương xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật vẫn là tiện đâu vứt đó
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.