Ngày 31/10 tới đây sẽ đến lễ hội Halloween, cho đến tận ngày nay, nguồn gốc của lễ hội này còn rất nhiều tranh cãi. Có một điểm đáng chú ý, khiến nhiều người quan tâm, là tại sao lễ hội này lại gắn liền với hình ảnh quả bí ngô và gần như không thể thay thế nó với bất cứ loại rau củ quả nào khác.
Chuyện kể lại rằng, theo truyền thuyết của người Ireland, một kẻ nghiện rượu tên là Sting Jack ăn trộm đồ trong ngôi làng và bị người dân đuổi đánh.
Jack chạy trốn, trên đường, hắn gặp một con quỷ được sai đến để bắt linh hồn của hắn đi. Tuy nhiên Jack đã lừa con quỷ leo lên cây táo cổ thụ và không cho nó xuống bằng cách khắc dấu thánh giá vào vỏ cây.
Con quỷ van xin và Jack bắt con quỷ phải thề rằng sẽ không bao giờ tước đi linh hồn của hắn.
Sau này khi già đi, Jack chết nhưng linh hồn của hắn không được lên thiên đàng vì những tội lỗi khi còn sống. Địa ngục cũng không có chỗ cho linh hồn hắn dung thân vì lời thề của con quỷ. Vì thế linh hồn của Jack phải lang thang nơi trần gian.
Bí ngô – biểu tượng của lễ hội Halloween.
Linh hồn của Jack còn nơi cư trú và cứ quanh quẩn chẳng biết đi về đâu. Jack xin quỷ chút lửa để soi đường. Cuối cùng quỷ thương tình ném cho hắn hòn than lấy từ bếp lửa địa ngục không bao giờ tắt.
Jack lấy củ cải đỏ đem khoét rỗng thành hình mặt quỷ, đặt hòn than bên trong. Cứ thế Jack mãi lang thang trong lằn ranh thực-hư, giữa thiên đường và địa ngục, với chiếc lồng đèn trên tay.
Từ đó, cứ mỗi mùa Halloween về, người nông dân ở các ngôi làng Ireland lại khắc những chiếc đèn lồng bằng củ cải để xua đuổi linh hồn của Jack và cả những bóng ma lang thang khác.
Ý nghĩa biểu tượng quả bí ngô
Theo thời gian, lễ hội Halloween đã trở thành lễ hội truyền thống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta tin rằng những chiếc lồng đèn làm từ quả bí ngô sẽ xua đuổi ma quỷ và mang lại nhiều niềm vui cho mọi người.
Hàng năm, cứ vào đêm ngày 31/10 rạng sáng ngày 1/11 là thời điểm diễn ra lễ hội Halloween. Người ta tin rằng linh hồn của người chết sẽ trở về thăm nhà và để lại lời nhắn nhủ trong giấc mơ.
Bởi vậy, vào khoảng thời gian này, mọi người treo đèn lồng bằng bí ngô trước cửa nhà, khoét hình mặt người với hy vọng những linh hồn, ma quỷ có ánh sáng để tìm ra đường đi và không quấy rầy chủ nhà.
Thông qua Lễ hội này, người ta cũng đưa ra một số khuyến cáo cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Thứ nhất, không nên sống tham lam, ích kỷ như chàng Jack và không nên chơi với kẻ xấu để rồi khi chết đi không nơi nương tựa, phải phiêu bạt nhân gian; Thứ hai, khi sống cần phải có hàng xóm, láng giềng, phải có niềm tin vào cuộc sống, tôn kính tổ tiên và các tiền nhân; Thứ ba, cuộc sống là một vòng tuần hoàn, luôn có sự cho đi và nhận lại, chúng ta cần phải cho đi để được nhận lại …
Ngoài ra, vào lễ hội Halloween, những người nghèo đi ‘khất thực cô hồn’ và họ chỉ được cho bánh trái gọi là ‘soul cakes’ (bánh vong hồn) sau khi hứa sẽ cầu nguyện cho các vong linh.
Những đứa trẻ thì hóa trang trong những bộ trang phục quái dị, cầm theo chiếc lồng đèn bí ngô, đến gõ cửa từng ngôi nhà để xin bánh kẹo, gọi là “‘rick or treat’ (có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi”).
Nhân Hạnh (t/h)