Cần cắt giảm lượng khí thải trên tất cả các lĩnh vực
Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Kết quả là lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C được đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trong bản báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Chúng ta rời COP26 ở Glasgow với một sự lạc quan ngây thơ, dựa trên những hứa hẹn và cam kết mới. Nhưng những cam kết về khí hậu hiện tại sẽ (vẫn) đồng nghĩa với việc tăng 14% lượng khí thải. Và hầu hết các nhà phát thải lớn không thực hiện các bước cần thiết để thực hiện ngay cả những lời hứa không đầy đủ này”.
Liên Hợp Quốc từng cảnh báo nạn hạn hán trên thế giới.
Tại thời điểm này, chỉ có việc cắt giảm lượng khí thải trên tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, giao thông đến năng lượng và các tòa nhà, mới có thể xoay chuyển tình thế, báo cáo cho biết. Ngay cả khi đó, các chính phủ cũng sẽ cần tăng cường nỗ lực trồng nhiều cây hơn và phát triển các công nghệ loại bỏ khí carbon dioxide đã có trong khí quyển sau hơn một thế kỷ hoạt động công nghiệp.
Người đứng đầu IPCC, Tiến sĩ Hoesung Lee, nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở ngã ba đường. Các quyết định mà chúng ta đưa ra ở thời điểm hiện tại có thể bảo đảm sự sống cho tương lai”.
Giáo sư Jim Skea, đồng chủ tịch báo cáo của IPCC cũng cảnh báo: “Bây giờ hoặc không bao giờ”. Đây là báo cáo cuối cùng trong loạt ba phần của báo cáo IPCC, với chu kỳ xem xét tiếp theo trong ít nhất 5 năm nữa.
Các chuyên gia IPCC cũng cho rằng những cam kết của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Do đó, mức mục tiêu 2 độ C có thể sẽ là một thách thức. Với những yếu tố không chắc chắn về mức độ thực hiện cam kết ở thời điểm hiện nay, IPCC dự báo nhiệt độ Trái đất có thể sẽ tăng mạnh ở mức 3,2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Báo cáo cho biết, nếu các cam kết khí hậu quốc gia hiện tại được ban hành thì vẫn sẽ không thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, thay vào đó đưa thế giới giữ được mức tăng 2,2 độ C nếu không hơn.
Giữ nhiệt độ nóng lên trong khoảng 1,5 độ C đòi hỏi phải cắt giảm lượng phát thải của tất cả các khí nhà kính gần một nửa vào những năm 2030 và đạt được mức phát thải carbon dioxide ròng bằng không vào những năm 2050.
Điều đó sẽ đòi hỏi sử dụng ít hơn khoảng 95% than, ít hơn 60% dầu và ít hơn 45% khí đốt vào năm 2050. Các lưới điện chạy bằng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ cần phải đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu năng lượng của thế giới.
Các thành phố sẽ cần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua việc xây dựng các chiến lược tốt hơn để giảm lượng khí thải đô thị.
Chậm tăng trưởng kinh tế để bảo vệ Trái đất
Theo báo cáo, nếu tình trạng ấm lên ở mức 2 độ C sẽ đòi hỏi các hành động hạn chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 1,3% đến 2,7% vào năm 2050.
Trong báo cáo, IPCC cho biết 10% số hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất thế giới tạo ra 36-45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
IPCC khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng…
Các chính phủ cần ban hành các chính sách nhằm thay đổi lối sống và hành vi của người dân, như khuyến khích làm việc tại nhà để giảm việc đi lại, giảm sử dụng ô tô để đi xe đạp và đi bộ…
Báo cáo cho biết những nỗ lực “giảm thiểu từ phía cầu” như vậy có thể làm giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu trong một số lĩnh vực lên tới 70% vào năm 2050.
Một số điểm sáng được nhấn mạnh trong báo cáo, đó là ngày càng có nhiều công nghệ thân thiện với khí hậu.
Trung bình một đơn vị năng lượng mặt trời hiện có giá thấp hơn 85% so với năm 2010, trong khi năng lượng gió hiện rẻ hơn 55%. Giá thành của pin lithium-ion, được sử dụng trong xe điện, cũng giảm mạnh.
Ở một số quốc gia, các chính sách đã dẫn đến việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện, hoặc làm chậm tốc độ phá rừng.
Báo cáo cũng xem xét cách thức các công cụ quản lý và thị trường có thể giúp kích thích sự đổi mới và cạnh tranh công nghệ, đây là hai chiến lược để thúc đẩy các biện pháp khuyến khích nhằm cắt giảm lượng khí thải. Thí dụ, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và áp dụng định giá carbon sẽ hướng đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp tái tạo.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây trong rừng và quản lý chăn nuôi bền vững hơn sẽ giúp cải thiện năng suất đất và khả năng chống chịu với các tác động khí hậu như nắng nóng hoặc hạn hán.
Một số lựa chọn thân thiện với khí hậu phải đối mặt với những trở ngại đáng kể, chẳng hạn như sự phản kháng của công chúng đối với năng lượng hạt nhân hoặc các công nghệ loại bỏ carbon tốn kém.
Tuy nhiên, nguồn tài chính toàn cầu dành cho công nghệ và giải pháp khí hậu vẫn chưa đủ mức cần thiết để hạn chế lượng khí thải nhằm kiềm chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.
Đánh giá về báo cáo mới của IPCC, Reuters cho rằng, nếu như các báo cáo trước đây của IPCC về giảm thiểu phát thải carbon có xu hướng tập trung vào lời hứa về các giải pháp thay thế nhiên liệu bền vững, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, thì báo cáo mới nhấn mạnh nhu cầu cắt giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Tiến sĩ Daniel Quiggin, nhà nghiên cứu môi trường tại Viện chính sách Chatham House của Vương quốc Anh cho biết: “Chấp nhận lối sống tiêu dùng thấp hơn gần như là động thái chính sách hiệu quả duy nhất để ngăn chặn những tác động tai hại của biến đổi khí hậu”.
Theo báo cáo, “giảm thiểu từ phía cầu” này tạo điều kiện thuận lợi cho các chính phủ trong việc thông qua các chính sách khuyến khích các lựa chọn bền vững. Thí dụ đầu tư vào làn đường dành cho xe đạp và phương tiện giao thông công cộng và chặn ô tô vào trung tâm thành phố để làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân.
Báo cáo cho biết, hành động như vậy có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế vài phần trăm trong ngắn hạn, nhưng những thiệt hại đó sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn từ việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Như Ngọc